Shurangama Mantra with Verses and Commentary
by Venerable Tripitaka Master Hsuan Hua
428. CA BÁC RỊ DUỆ PHẤN
迦般唎曳泮
KĀPĀRĪYE PHAT
Thiện
Xả giới thần hộ tinh nghiêm
Ác
độc oán ma thoái vô tiền
Ly
quá tuyệt phi cần cảnh sách
Phản
mê quy giác đại Thánh hiền.
善捨戒神護精嚴
惡毒怨魔退無前
離過絕非勤警策
返迷歸覺大聖賢
UM! CA BÁC RỊ DUỆ PHẤN.
THẦN THIỆN XẢ HỘ TRÌ CẤM
GIỚI
Đại Bồ-Tát tu thánh hạnh thế nào ?
Đại Bồ-Tát hoặc từ Thanh-Văn, hoặc từ đức Như-Lai đặng nghe kinh Đại-Niết-Bàn
như vậy, nghe xong sanh lòng tin, tin xong nên suy nghĩ như vầy : Chư Phật Thế-Tôn
có đạo vô thượng, có chánh pháp lớn, có chánh hạnh cho đại chúng, lại có kinh
điển Phương-đẳng Đại-thừa, nay ta nên vì ưa thích mong cầu kinh Đại-thừa mà bỏ
lìa vợ con, quyến thuộc, nhà cửa, vàng bạc, châu báu, chuỗi ngọc tốt đẹp, hương
hoa, kỹ nhạc, tôi trai, tớ gái, voi ngựa, xe cộ, trâu dê, gà chó, heo lợn. Lại
nghĩ thế này, ở nhà ràng buộc như lao ngục, do đó mà sanh tất cả phiền não. Xuất
gia khoảng khoát như hư không, tất cả pháp lành nhơn đây được tăng trưởng. Nếu ở
nhà chẳng đặng trọn đời tu phạm hạnh, nay ta phải nên cạo bỏ râu tóc, xuất gia
học đạo vô thượng.
Lúc Bồ-Tát muốn xuất gia
như vậy, Thiên-ma Ba-tuần rất lo khổ, nói rằng : Bồ- Tát nầy lại sẽ cùng ta
sanh sự chiến tranh lớn.
Nấy Thiện-nam-tử ! Bồ-Tát nầy
ở nơi chỗ nào lại sẽ cùng người chiến tranh ? Bồ-Tát nầy qua đến tăng phường nếu
thấy Như-Lai và hàng đệ tử oai nghi đầy đủ, thân tâm tịch tịnh, lòng liền nhu
hòa thanh tịnh mà cầu xuất gia, cạo bỏ râu tóc mặc ba pháp y.
Xuất gia xong tuân giữ giới
cấm, oai nghi chẳng thiếu, cử chỉ an lành không có sai phạm, nhẫn đến tội nhỏ
cũng sanh lòng sợ sệt, tâm hộ giới như kim cương.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như
có người đeo trái nổi muốn lội qua biển lớn. Trong biển có quỉ La-sát theo người
đó để xin trái nổi. Người đó nghĩ rằng : Nếu ta cho nó quyết định phải chìm chết.
Nghĩ rồi đáp rằng : Nầy La-Sát, thà ngươi giết ta, chớ ta không thể cho trái nổi
được.
La-Sát lại nói : Nếu ông
chẳng cho hết, thời cho ta phân nửa. Người ấy vẫn không cho. La-Sát lại xin một
phần ba, không được, lại xin một mãnh bằng bàn tay, nhẫn đến xin chừng bằng hột
bụi. Người nầy đáp rằng : Nhà ngươi dầu xin rất ít, nhưng hiện nay ta cần phải
lội qua biển, chẳng biết đường còn xa hay gần. Nếu ta cho ngươi một ít, trái nổi
sẽ xì hơi, làm sao qua được biển lớn, có thể sẽ bị chìm chết giữa đường.
Nầy Thiện-nam-tử ! Bồ-Tát
hộ trì cấm giới cũng như vậy. Lúc Bồ-Tát hộ giới, thường có phiền não bảo Bồ-Tát
rằng : Ông nên tin tôi trọn chẳng dối nhau, chỉ phá bốn giới trọng, giữ gìn những
giới khác sẽ được an ổn nhập Niết-bàn. Lúc đó Bồ-Tát nên nghĩ rằng : Thà ta giữ
gìn giới cấm mà đọa A-tỳ địa-ngục, quyết chẳng hủy phạm mà sanh trên cõi trời.
Phiền não lại nói : Ông nếu chẳng phá bốn giới trọng, thời nên phá tăng tàng, sẽ
được an ổn nhập Niết-bàn. Bồ- Tát không bằng lòng.
Phiền não lại bảo : Ông nếu
chẳng phạm tăng tàng, cũng nên phạm tội thâu-lan- giá, thời đặng an ổn nhập Niết-bàn.
Bồ-Tát cũng chẳng nghe
theo.
Phiền não lại bảo : Ông nếu
chẳng thể phạm thâu-lan-giá, nên phạm xả- đọa thời nên an ổn nhập Niết-bàn.
Bồ-Tát cũng chẳng nghe
theo.
Phiền não lại bảo : Ông nếu
chẳng thể phạm xả-đọa nên phạm ba-dật-đề sẽ đặng an ổn nhập Niết-bàn.
Bồ-Tát cũng chẳng nghe
theo.
Phiền não lại bảo : Ông nếu
chẳng thể phạm ba-dật-đề, thời nên phạm đột kiết- la, do đây được an ổn nhập Niết-bàn.
Bồ-Tát vẫn không nghe
theo, tự nghĩ rằng : Nay nếu ta phạm tội đột-kiết-la, mà chẳng phát-lồ, thời
không thể qua khỏi biển sanh tử đến bờ Niết-Bàn được. Bồ- Tát đối với tội rất
nhỏ trong giới luật, giữ gìn bền chắc, tâm như kim cương. Bồ- Tát đối với bốn
giới trọng cùng đột-kiết-la, giữ gìn kính trọng như nhau không khác.
Bồ-Tát nếu có thể bền giữ
giới luật như vậy, thời là đầy đủ năm chi giới : Một là đầy đủ giới nghiệp
thanh tịnh căn bổn của Bồ-Tát; hai là những giới thanh tịnh khác, quyến thuộc của
giới trước giới sau; ba là giới giác quán thanh tịnh, chẳng phải những ác giác;
bốn là giới niệm thanh tịnh hộ trì chánh niệm; năm là giới hồi hướng vô thượng
chánh đẳng chánh giác.
Nầy Thiện-nam-tử ! Bồ-Tát
đây lại có hai thứ giới : Một là giới thọ thế- giáo; hai là giới đặng chánh
pháp. Bồ-Tát nếu thọ giới chánh pháp thời trọn chẳng làm ác. Nếu thọ giới thế
giáo, thời bạch tứ Yết-Ma, rồi sau mới đặng.
Nầy Thiện-nam-tử ! Lại có
hai thứ giới : Một là giới-tánh-trọng, hai là giới dứt sự cơ- hiềm thế gian. Giới-tánh-trọng
tức là bốn giới trọng. Giới dứt cơ-hiềm thế gian là chẳng buôn bán, cân thiếu,
giạ non, khi dối người, cậy thế lực người để lấy tài vật của kẻ khác, ác tâm
trói buộc người, phá hoại sự thành công của người, thắp đèn sáng mà nằm, ruộng
nương gieo trồng, gia nghiệp buôn bán. Chẳng chứa voi ngựa, xe cộ, trâu, dê,
đà, lừa, gà, chó, khỉ , vượn, chim công, chim két, chim cộng mạng, cùng chim
câu-chỉ-la, cọp, beo, chó sói, mèo, chồn, heo lợn, và những ác thú khác. Chẳng
chứa đồng nam, đồng nữ, đại nam, đại nữ, tôi tớ, vàng, bạc, lưu ly, pha lê,
chơn châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, kha bối, các thứ châu báu, đồng cỏ,
thiếc nhôm, thau, chì, những thứ chén bát to lớn. Chẳng chứa áo lông, áo cừu,
áo da, tất cả lúa, gạo nếp, mè, bắp, đậu, những đồ đựng món ăn sống, đồ đựng
món ăn chín. Thường ăn một bữa, chẳng từng ăn hai lần. Thường đi khất thực và
thọ thực trong chúng Tăng, thường biết vừa đủ. Chẳng thọ thỉnh riêng, chẳng ăn
thịt, chẳng uống rượu, loại ngũ tân tánh nồng đều chẳng ăn, vì thế nên thân Bồ-Tát
chẳng có hôi hám. Thường được chư Thiên tất cả người cung kính, cúng dường, tôn
trọng, tán thán. Ăn vừa đủ trọn chẳng lãnh thọ của dư. Nhận lấy y phục vừa đủ
che thân. Thường dùng ba y, bát, tọa cụ, trọn chẳng xa lìa như hai cánh chim.
Chẳng chứa các thứ củ, cọng, mắt, hột, trái, các loại hột. Chẳng chứa của báu
hoặc vàng, hoặc bạc, kho bếp chứa đồ ăn, áo xiêm thêu vẽ, giường rộng, cao lớn
giừơng ngà, giường vàng, mùng màn nhiều màu, đều chẳng ngồi nằm. Chẳng chứa tất
cả thứ chiếu, mềm nhuyễn. Chẳng ngồi yên voi, yên ngựa. Chẳng dùng áo xiêm mịn
nhuyễn tốt đẹp để trải giường nằm. Trên giường ngủ nghỉ chẳng để hai gối, cũng
chẳng nhận chứa gối đỏ tốt đẹp, gối cây lộng chạm. Trọn chẳng nhìn xem đua voi,
đua ngựa, đua xe, diễn binh, cũng chẳng coi xem hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu,
dê, gà, chim trĩ, chim két, đánh đá nhau. Cũng chẳng cố ý đi xem binh trận.
Cũng chẳng cố ý nghe thổi ốc , thổi sừng, tiếng đờn cầm, đờn sắt, đờn tranh, ống
địch, không hầu, ca ngâm, các thứ kỹ nhạc, trừ khi cúng dường Phật. Trọn chẳng
xem chẳng làm tất cã những sự chơi đùa cờ bạc. Chẳng coi tướng tay chân mặt mắt,
chẳng bói quẻ, xủ quẻ. Chẳng ngước xem hư không tinh tú, trừ khi muốn giải sự
buồn ngủ. Chẳng làm sứ mạng cho nhà vua. Cũng chẳng đem lời người nầy truyền đến
người kia, lời người kia truyền đến người nầy. Chẳng dua nịnh tà mạn để nuôi sống.
Chẳng tuyên nói những việc của vua của quan, của kẻ trộm cướp, việc kiện cáo,
việc uống ăn trong nước, trong xứ thất mùa đói khát, những việc khủng bố, những
việc đặng mùa an ổn. Đây gọi là giới dứt sự cơ hiềm trong đời của Đại-Bồ-Tát.
Nầy Thiện-nam-tử ! Đại-Bồ-Tát
giữ gìn kỹ những điều giới ngăn chế như vậy đồng như giữ gìn những giới tánh trọng.
Nầy Thiện-nam-tử ! Đại-Bồ-Tát
thọ trì những giới cấm như vậy rồi lại nguyện rằng : Thà đem thân nầy nhảy vào
trong hầm lửa, trọn chẳng hủy phạm giới cấm của chư Phật ba đời mà cùng tất cả
người nữ làm điều bất tịnh. Lại nguyền thà lấy sắt nóng vấn nơi thân, trọn chẳng
dám đem thân phá giới để thọ y phục của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà nuốt
hòn sắt cháy đỏ, trọn chẳng dám đem thân phá giới ăn các thực vật của tín tâm
đàn việt. Lại nguyện thà đem thân nầy nằm trên sắt nóng trọn chẳng đem thân nầy
thọ giừơng chiếu của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà đem thân nầy chịu ba trăm
mũi mâu đâm, trọn chẳng dám đem thân phá giới thọ thuốc men của tín tâm đàn việt.
Lại nguyện thà đem thân nầy nhảy vào vạc sắt nóng, chẳng dám đem thân phá giới
thọ phòng nhà của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà dùng chùy sắt đập nát thân nầy
từ đầu đến chân nát như tro bụi, chẳng đem thân phá giới thọ sự cung kính của mọi
người. Lại nguyện thà dùng sắt nóng khoét đôi mắt, chẳng dùng nhiễm tâm nhìn sắc
đẹp của người. Lại nguyện thà dùng dùi sắt đâm thủng lỗ tai, chẳng dùng nhiễm
tâm nghe tiếng hay giọng tốt. Lại nguyện thà dùng dao bén cắt bỏ lỗ mũi, chẳng
dùng nhiễm tâm tham ngữi những mùi thơm. Lại nguyện thà dùng dao bén cắt rách
lưỡi mình, chẳng dùng nhiễm tâm tham vị ngon ngọt. Lại nguyện rằng thà dùng búa
bén chặt chém thân thể, chẳng dùng nhiễm tâm tham chạm xúc êm dịu. Vì những sự
trên đây có thể làm cho nhà tu hành đọa địa ngục, súc sanh, ngả-quỉ. Đây gọi là
Đại-Bồ-Tát hộ trì cấm giới.
Đại Bồ-Tát hộ trì những cấm
giới như vậy rồi, đều đem bố thí cho tất cả chúng sanh, nguyện cho chúng sanh hộ
trì cấm giới, đặng giới thanh tịnh, giới thiện, giới chẳng thiếu, giới chẳng
phân tích, giới đại-thừa, giới bất thối, giới tùy thuận, giới rốt ráo, thành tựu
đầy đủ giới ba-la-mật.
Nầy Thiện-nam-tử ! Đại Bồ-Tát
lúc tu trì giới thanh tịnh như vậy liền đặng trụ bậc sơ-bất-động. Thế nào gọi
là bậc bất-động ? Bồ-Tát trụ trong bậc bất-động nầy thời chẳng động, chẳng đọa,
chẳng thối, chẳng tán.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như
núi Tu-di, gió trốt gió bão, không thể làm lay động sụp đổ tan nát được. Cũng vậy,
Đại-Bồ-Tát trụ trong bậc nầy, chẳng bị sắc, thinh, hương, vị, xúc, làm động, chẳng
đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỹ, chẳng lui xuống bậc Thanh-Văn, Bích-Chi Phật,
chẳng bị dị-kiến tà phong làm tan, mà theo tà mạn để nuôi sống.
Lại bất động là chẳng bị
tham dục, sân khuể, ngu si làm động. Lại bất đọa là chẳng đọa bốn tội trọng. Lại
bất thối là chẳng lui bỏ giới để hoàn tục. Lại bất tán là chẳng bị người trái
nghịch kinh Đại-thừa làm tan hoại.
Đại Bồ-Tát cũng chẳng bị
các ma phiền não làm lay động, chẵng bị ma ngũ ấm làm đọa. Nhẫn đến ngồi nơi cội
cây bồ-đề đạo tràng dầu có Thiên-ma chẳng thể làm Bồ-Tát thối bỏ vô thượng
chánh đẳng chánh giác, cũng chẳng bị ma chết làm tan.
Nầy Thiện-nam-tử ! Đây gọi là Bồ-Tát tu tập Thánh-hạnh.
KINH
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
PHẨM THÁNH HẠNH THỨ MƯỜI CHÍN
Việt Dịch HT. Trí Tịnh
GIÁO ĐỒ ĐẠO PHẬT
Trong thời kỳ độ sanh, Ðức Thế-Tôn một mặt tự lãnh đồ
chúng đi du hóa. Mặt khác, Ngài cho các Tăng đoàn, mỗi đoàn do một vị Tỷ-khưu
đức hạnh cầm đầu, đem đạo pháp truyền bá các nơi. Đệ-tử của Phật được chia
thành bảy chúng như sau:
1. Tỷ-khưu (Bhiksu): Phái xuất-gia nam,
từ 20 tuổi trở lên, đã thọ giới Cụ-túc.
2. Tỷ-khưu-ni (Bhiksuni): Phái xuất-gia nữ,
từ 20 tuổi trở lên, đã thọ giới Cụ-túc.
3. Sa-di (Sràmanera): Phái xuất-gia nam
đã thọ 10 giới.
4. Sa-di-ni (Sràmaneri): Phái xuất-gia nữ
đã thọ 10 giới.
5. Thức-xoa-ma-na (Siksamàna): Phái xuất-gia nữ, trong thời gian hai năm học giới
để thọ giới Cụ-túc.
6. Ưu-bà-tắc (Upàsaka): Phật-tử tại-gia
phái nam.
7. Ưu-bà-di (Upàsika): Phật-tử tại-gia
phái nữ.
Trong đây gồm có năm chúng xuất-gia, và hai chúng
tại-gia.
Giáo đoàn đạo Phật gọi là Tăng-già (Sangha). Danh từ nầy
có nghĩa: đại chúng hay hòa hợp. Tăng-già có nghĩa rộng và hẹp, nên được khu
phân thành ba loại:
1. Lý-tưởng-tăng-già: Hạng nầy không phân biệt tại-gia hay xuất-gia, vì
ai nấy đều là Phật-tử, nếu quyết tâm tu hành, đều có thể chứng ngộ, giải thoát.
Lý-tưởng-tăng-già có thể khảo sát theo hai phương diện; về phần lượng, tất cả
chúng-sanh đều bao hàm ở trong Tăng-già; về phần chất, tất cả chúng-sanh đều có
thể chứng ngộ.
2. Hiện-thật-tăng-già: Hạng nầy chỉ dành riêng cho năm chúng xuất-gia,
đúng với hình thức, danh nghĩa và sự tổ chức.
3. Hội-nghị-tăng-già: Hạng nầy căn cứ vào nhân số trong các cuộc tập hợp
mà thành lập. Nghi thức của sự tập hợp nầy cần phải có từ bốn người trở lên mới
được gọi là Tăng-già, từ ba người trở xuống chỉ gọi là “Quần” (Gana).
Hội-nghị-tăng-già tùy theo pháp sự, có thể chia làm năm thứ: hội nghị bốn
người, hội nghị năm người, hội nghị mười người, hội nghị hai mươi người và hội
nghị từ hai mươi người trở lên.
Sau khi thành đạo, trong mười hai năm đầu, Ðức Thế-Tôn
không chế ra giới luật. Nhưng qua khoảng thời gian ấy, vì đồ chúng đông nhiều,
không tránh khỏi cảnh có kẻ làm điều phi hạnh, nên Đức Phật mới chế định giới
luật để làm tiêu chuẩn sinh hoạt và tu hành cho các đệ-tử. Những giới pháp ấy
là: Ngũ-giới, Bát-quan-trai-giới, Thập-giới, Thức-xoa-giới, Cụ-túc-giới và
Bồ-Tát-giới. Hai thứ trước thuộc về giới của chúng tại-gia, ba thứ kế thuộc về
giới của chúng xuất-gia, còn Bồ-Tát-giới thông cả tại-gia và xuất-gia.
Về sự sinh hoạt, người xuất-gia còn phải nương vào
Tứ-y-pháp:
1. Y vào khất thực để sinh sống.
2. Y vào áo vải thô để che thân.
3. Y nơi cội cây để ngủ nghỉ.
4. Y vào thuốc hủ nát để chữa bịnh.
Trọng tâm của pháp Tứ-y là người xuất-gia không thiên về
cuộc sống xa hoa, mà chỉ lấy sự thanh đạm làm mãn nguyện. Tuy nhiên, tùy địa
phương, thời đại và trường hợp, người xuất-gia vẫn được thọ dụng: giảng đường,
tinh-xá, thức ăn mặc, thuốc men của đàn việt cúng dường mà không trái với
Tứ-y-pháp.
Vật sở hữu của người xuất-gia, có Cá-nhân-sở-hữu và
Tăng-già-sở-hữu. Cá-nhân-sở-hữu gồm những món đại khái như: áo cà sa, bát, đãy
lọc nước, dao cạo, ống kim chỉ, tọa cụ, khăn tay... Tăng-già-sở-hữu gồm những
thứ như: vườn cây, giảng đường, tinh-xá, giường bàn.... đều là những vật công
cộng của toàn thể chư Tăng, ai cũng có quyền sử dụng.
Công việc hằng ngày của người xuất-gia là: buổi sáng
hoặc ngồi thiền, hoặc cùng nhau đàm đạo ôn lại lời Phật dạy. Trước giờ ngọ phải
đi khất thực, rồi đem về tinh-xá hoặc nơi cội cây thọ trai đúng giữa trưa. Thọ
trai xong đi kinh hành, kế chỉ tịnh. Xế qua, hoặc lại chuyên tu hành, hoặc
giảng đạo hay nghe thuyết pháp. Buổi tối họp nhau bàn về pháp thoại rồi tham
thiền. Đây là sự sinh hoạt theo đoàn thể, còn lối sinh hoạt cá nhân tùy theo
người muốn giảng đạo hay chuyên tu lại có phần sai khác. Tóm lại, lối sống hằng
ngày của người xuất-gia là lấy sự độ mình độ người làm chủ yếu.
Bộ phận về quy luật của hàng xuất-gia là các loại giới
pháp. Ngoài ra, còn có bộ phận khác gọi là Kiền-độ (Khandaka), tức là những định
chế về cách thức thọ giới, bố-tát, an-cư, tự-tứ, gọi chung là Tăng-sự. Trong
các thứ thọ giới, riêng về giới Cụ-túc, lại có hai hạng: một là hạng do các
Trưởng-lão Tỷ-khưu trong Tăng-đoàn truyền, giới tử phải là người sáu căn đầy đủ
và 20 tuổi trở lên. Hạng nầy gọi là Phá-kiết-sử Tỷ-khưu. Hai là hạng do Phật
hứa khả, gọi là Thiện-lai Tỷ-khưu, tức là người có đủ đức tánh Tỷ-khưu, thì
không theo quy định trên.
Về nghi thức Bố-tát (Upavasatha), trong mỗi tháng có hai
kỳ: tối trời và sáng trăng (hắc nguyệt, bạch nguyệt). Kỳ hắc nguyệt, pháp sự cử
hành vào ngày cuối tháng, kỳ bạch nguyệt thì vào ngày trăng tròn. Trong những ngày ấy,
người xuất-gia vẫn tập riêng theo hai bộ Tăng, Ni ở trong một phạm vi kiết
giới. Sau khi bạch yết-ma làm lễ bố-tát, một vị tụng giới bổn, còn
bao nhiêu lặng yên ngồi nghe. Tất cả đều tự phản tỉnh, nếu ai phạm vào điều
luật nào, phải ra trước đại chúng tỏ bày, sám hối.
Theo thời tiết, ở Ấn-Độ mỗi năm có ba mùa, mỗi mùa có
bốn tháng:
1. Mùa nóng |
Tháng thứ nhất Chaitra Tháng thứ hai Vaisàkha Tháng thứ ba Jyeshtha Tháng thứ tư Àshàda |
2. Mùa mưa |
Tháng thứ năm Sràvan Tháng thứ sáu
Bhàdrapada Tháng thứ bảy À'svina Tháng thứ tám Kàrttika |
3. Mùa lạnh |
Tháng thứ chín
Màrgásirsha Tháng thứ mười Pushya Tháng thứ mười một
Màgha Tháng thứ mười hai
Phalguna |
Xứ Ấn-Độ thuộc về vùng nhiệt đới, nên mỗi năm vào mùa
mưa, cây cỏ nảy mầm, côn trùng sanh dục. Hơn nữa, đường xá thường lầy lội, các
khe suối nước lũ dâng cao có khi tràn ngập cả lối đi. Vì không muốn giẫm chết
sanh vật, và để thuận tiện cho sự tu hành, mỗi năm vào mùa nầy, Đức Phật dạy
hàng đệ-tử xuất-gia tùy theo địa phương, hội họp lại ở yên một nơi trong vòng
ba hoặc bốn tháng. Quy chế nầy gọi là Vũ-kỳ-an-cư (Varsàvasàna).
Đến ngày cuối của khóa an-cư, là ngày làm lễ Tự-tứ
(Pravàrana). Tự-tứ là trong thời gian an-cư tu tập, nếu có vị xuất-gia nào
phạm lỗi mà trong đại chúng thấy, nghe, hoặc nghi ngờ, thì các vị khác được
phép tự do cử tội. Đây cũng là một quy chế để Tăng-đoàn được thêm nghiêm
chỉnh, tinh tấn trên đường tu hành.
Về phần giáo đồ tại-gia, nếu ai có thọ Tam-quy, kẻ ấy
được chánh thức vào đoàn thể Phật-tử. Và tùy theo khả năng, nếu vị nào có thể
giữ Ngũ-giới, Bát-giới hay Bồ-Tát-giới, thì đến Tăng-đoàn mà
cầu xin truyền thọ. Bổn phận chung của hàng Phật-tử tại-gia, là giữ quy giới tu
hành, và tùy phận đem hết năng lực ủng hộ chánh-pháp.
(Lược-Trích-Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử,
Phật-Học-Đại-Cương)
Phật Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Comments
Post a Comment