Shurangama Mantra with Verses and Commentary
by Venerable Tripitaka Master Hsuan Hua
383. TỲ ĐÀ RA
毗陀囉
VIDRĀ
Phi
vị Tu La đại lực trì
Chư
Phật uy đức hóa cập thời
Bất
động giáo chủ hoan hỷ quang
Đông
phương Kim cang niệm tại tư.
非為修羅大力持
諸佛威德化及時
不動教主歡喜光
東方金剛念在玆
MAU THÀNH TỰU LỰC BA LA MẬT
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH
Phẩm Nhập Pháp Giới
Thứ ba mươi chín
Hán Dịch: Ðại Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Việt Dịch: Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
Pháp giới này không phải được dệt nên bằng những vi trần, mà chỉ được TREO trên đầu một sợi lông, trên đầu MỘT TÂM NIỆM. Cho nên không gian và thời gian không phải là những thực tại khách quan tồn tại độc lập, mà chỉ là những vọng tưởng hàm số của tâm thức mỗi loài chúng sanh.
Và ngài Thiện Tài đi ta bà các cõi, cũng chỉ là đi trong lỗ lông của ngài Phổ Hiền, mà cũng chỉ là đi quanh quẩn trong Tàng thức của mình mà thôi.
Diễn Giảng
PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
Ngày 15 tháng 4 năm 1990
25.- BÀ TU MẬT ÐA NỮ
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT BỒ TÁT LY THAM TẾ” này.
Thiện Tài được đại trí quang minh soi mở tâm, tư duy quán sát thấy tánh của các pháp. Ðược môn đà la ni rõ biết tất cả ngôn âm. Ðược môn đà la ni thọ trì tất cả pháp luân. Ðược sức đại bi làm chỗ quy y cho tất cả chúng sanh. Ðược môn quang minh quán sát nghĩa lý của tất cả pháp. Ðược thanh tịnh nguyện sung mãn pháp giới. Ðược trí quang minh chiếu khắp mười phương tất cả pháp. Ðược sức tự tại khắp trang nghiêm tất cả thế giới. Ðược viên mãn nguyện khắp phát khởi tất cả Bồ Tát hạnh.
Thiện Tài đi lần đến nước Hiễm Nạn, thành Bửu Trang Nghiêm tìm BÀ TU MẬT ÐA NỮ.
Trong thành, những người chẳng biết công đức trí huệ của cô gái ấy nên nghĩ rằng :
Ðồng tử này thân căn tịch tịnh, trí huệ sáng suốt chẳng mê chẳng loạn, nhìn kỹ một tầm không lười mỏi, không chấp trước, mắt ngó chẳng nháy, tâm không táng động sâu rộng như đại hải. Người như vậy chẳng nên ở nơi cô gái Bà Ta Mật Ða mà có tâm tham ái, có tâm điên đảo, sanh tưởng là sạch, sanh tưởng ái dục. Chẳng nên bị nữ sắc cám dỗ.
Ðồng tử này chẳng làm hạnh ma, chẳng nhập ma cảnh, chẳng chìm nước bùn ái dục, chẳng bị ma trói, chỗ chẳng nên làm đã có thể chẳng làm. Sao lại có ý gì mà tìm cô gái này.
Có người đã biết công đức trí huệ của cô gái này bèn bảo Thiện Tài rằng :
Lành thay, lành thay ! Nay thiện nam tử có thể tìm Bà Tu Mật Ða nữ. Thế là đã được lợi lành rộng lớn.
Thiện nam tử nên quyết định cầu quả vì Phật, quyết định vì chúng sanh mà làm chỗ y tựa, quyết định muốn nhổ mũi tên độc tham ái cho tất cả chúng sanh, quyết định muốn phá những ý tưởng sạch sẽ đối với nữ sắc của tất cả chúng sanh.
Này thiện nam tử ! Bà Tu Mật Ða nữ hiện ở nhà của cô tại chợ Bắc trong thành này.
Thiện Tài vui mừng hớn hở đến cổng nhà Bà Tu Mật Ða nữ.
Thấy nhà này rộng rãi nghiêm lệ, tường báu, cây báu, hào báu, mỗi mỗi bao quanh mười lớp. Trong hào báu đầy đủ nước thơm, cát vàng trải đáy, những bửu hoa, bông sen bốn màu xanh, vàng, đỏ, trắng đua nở trên mặt nước.
Cung điện lâu các đều tráng lệ. Cửa nẻo thành hàng nối nhau. Ðều treo lạc, treo lưới đều treo phan, treo tràng. Vô lượng trân kỳ dùng để nghiêm sức. Ðất bằng lưu ly xen lẫn những châu báu. Xông trầm thủy, thoa chiên đàn. Treo những linh báu, gió rung trỗi nhạc. Rải những thiên hoa trải khắp mặt đất. Những sự trang nghiêm tráng lệ không thể tả hết.
Những kho tàng trân bửu đến số trăm ngàn. Mười khu vườn lớn rất mực trang nghiêm.
Thiện Tài thấy Bà Tu Mật Ða nữ nhan mạo đoan nghiêm, sắc tướng viên mãn. Da màu chân kim. Tóc và mắt màu xanh biếc, chẳng dài ngắn, chẳng thô tế, tất cả hàng nhơn thiên cõi Dục không ai sánh bằng. Tiếng nói thanh tốt hơn trời Phạm thế. Tất cả ngôn âm sai biệt của tất cả chúng sanh đều biết đều hiểu. Thấu rõ chữ nghĩa khéo luận đàm. Ðược trí như huyễn nhập môn phương tiện.
Trên thân của nữ nhơn này trang sức bằng những chuỗi ngọc báu và những đồ trang nghiêm. Ðầu đội mão như ý bửu châu.
Lại có vô lượng quyến thuộc vây quanh, đều đồng thiện căn, đều đồng hạnh nguyện, phước đức vô tận.
Bà Tu Mật Ða nữ, từ trên thân phóng quang minh quảng đại chiếu khắp cả nhà, tất cả cung điện.
Người được ánh sáng này chiếu đến thời thân được mát mẻ.
Thiện Tài đến đảnh lễ chân Bà Tu Mật Ða nữ, chắp tay cung kính thưa rằng :
Bạch đức Thanh ! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề mà chưa biết thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo, xin chỉ dạy cho.
Bà Tu Mật Ða nữ nói :
Này thiện nam tử ! Ta được Bồ Tát giải thoát môn tên là "Ly tham dục tế", tùy chỗ sở thích của chúng sanh mà hiện thân.
Nếu chư Thiên thấy ta, thời ta là Thiên nữ xinh đẹp sáng chói. Như vậy nhẫn đến nhơn hay phi nhơn thấy ta, thời ta là nhơn nữ hay phi nhơn nữ.
Nếu có người vì lòng dục mà đến tìm ta, gặp ta thuyết pháp, họ nghe pháp rồi thời hết tham dục được Bồ Tát vô trước cảnh giới tam muội.
Nếu có chúng sanh tạm thấy ta thời lìa tham dục mà được Bồ Tát hoan hỷ tam muội.
Nếu có chúng sanh tạm cùng ta nói chuyện, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát vô ngại âm thanh tam muội.
Nếu có chúng sanh tạm cầm tay ta thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội đến khắp tất cả cõi Phật.
Nếu có chúng sanh tạm lên trên chỗ ngồi của ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát giải thoát quang minh tam muội.
Nếu có chúng sanh tạm nhìn ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tịch tịnh trang nghiêm tam muội.
Nếu có chúng sanh thấy ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tồi phục ngoại đạo tam muội.
Nếu có chúng sanh thấy mắt nháy, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát Phật cảnh giới quang minh tam muội.
Nếu có chúng sanh ôm ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội nhiếp tất cả chúng sanh hằng chẳng bỏ lìa.
Nếu chúng sanh nút môi ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội tăng trưởng phước đức tạng cho tất cả chúng sanh.
Phàm có chúng sanh nào thân cận ta, tất cả đều lìa tham dục mà được nhập Bồ Tát nhứt thiết trí hiện tiền giải thoát vô ngại.
Thiện Tài thưa :
Ðức Thánh gieo căm lành gì, tu phước nghiệp gì mà được thành tựu tự tại như vậy ?
Bà Tu Mật Ða nữ nói :
Này thiện nam tử ! Ta nhớ thuở quá khứ có đức Phật hiệu Cao Hạnh. Ðô thành chủ của vua nước ấy tên là Sa Môn.
Ðức Cao Hạnh Như Lai vào thành Sa Môn, chân Phật đạp lên ngạch cổng thành. Liền đó cả thành đều chấn động, bỗng trở nên rộng rãi, trang nghiêm với những châu báu, vô lượng quang minh chiếu suốt lẫn nhau. Những bửu hoa rải khắp mặt đất. Chư Thiên âm nhạc đồng thời hòa tấu tất cả chư Thiên sung mãn hư không.
Thuở ấy ta là vợ Trưởng giả tên là Thiện Huệ, thấy thần lực của Phật, tâm liền giác ngộ. Ta cùng Trưởng giả đến chỗ Phật, dâng lên Phật một bửu tiền.
Văn Thù Sự Lợi Ðồng Tử đương làm thị giả của đức Phật Cao Hạnh, vì ta mà thuyết pháp, khiến ta phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết “MÔN GIẢI THOÁT BỒ TÁT LY THAM TẾ” này.
Như chư đại Bồ Tát thành tựu vô biên trí xảo phương tiện, công đức quảng đại, cảnh giới vô tỷ.
Ta thế nào biết được nói được công đức hạnh đó.
Này thiện nam tử ! Phương Nam đây có thành Thiện Ðộ. Trong thành ấy có Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La. Ông ấy thường cúng dường tháp của đức Chiên Ðàn Tòa Như Lai.
Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo?
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Bà Tu Mật Ða nữ, hữu nhiễu vô lượng vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.
KINH: Này thiện nam tử, phương Nam đây có một nước tên là Hiểm Nạn.., nước đó có thành tên là Bửu Trang Nghiêm. Trong thành ấy có một nữ nhân tên là Bà Tu Mật Đa.
GIẢNG: Nước đó rất “hiểm nạn” vì phải đi qua cửa ải của tham dục. Nhưng tuy gọi là hiểm nạn mà trong nước ấy có thành tên là Bửu Trang Nghiêm và lại có một vị nữ nhân tên là Bà Tu Mật Đa.
KINH: Thiện Tài được đại trí quang minh soi mở tâm, tư duy quán sát thấy tánh của các pháp. Được môn đà la ni rõ biết tất cả ngôn âm, được môn đà la ni thọ trì tất cả pháp luân, được sức đại bi làm chỗ qui y cho tất cả chúng sanh, được môn quang minh quán sát nghĩa lý của tất cả pháp v.v…
GIẢNG: Đại khái tâm Thiện Tài lúc bấy giờ nở ra như hoa, được các thứ diệu đức và diệu lực. Do sức Bát Nhã và Đại Bi, như chim hai cánh bay bổng tuyệt vời…
KINH: Thiện Tài đi lần đến nước Hiểm Nạn, thành Bửu Trang Nghiêm tìm Bà Tu Mật Đa nữ.
GIẢNG: Kinh kể rằng trong thành dân chúng nghĩ về Bà Tu Mật Đa theo nhiều mức độ tâm thức khác nhau. Có nhiều người hiểu lầm ngài là dâm nữ, nhưng cũng có người biết ngài là một vị Bồ Tát thị hiện.
Ở đây, ngài Bà Tu Mật Đa thị hiện thành một dâm nữ… Cũng như trong kinh Duy Ma Cật ngài Duy Ma Cật cũng nói một bài kệ như sau:
Thị hiện trong ngũ dục
Lại cũng hiện tu thiền
Để tâm ma rối loạn
Không thừa dịp hại đặng
Hoa sen sanh trong lửa
Thật đáng gọi ít có
Cõi dục mà tu thiền
Ít có cũng như thế
Nghĩa là những vị tu thiền cao, thị hiện trong cảnh ngũ dục để làm cho ma ngơ ngác không hiểu ra sao, là thật hay giả nữa. Người tu thiền trong cõi dục này đắc quả thật ít có như hoa sen sanh trong lửa vậy, vì trong cõi dục tu rất khó khăn, phải mang thân máu mủ thai sanh ở trần gian này thì chuyện đắc thiền, quả là rất khó. Những phong trào tu thiền hiện nay chỉ là một loại thiền rất sơ khởi, có thể giữ được tâm tương đối vắng lặng và được một ít sức khỏe mà thôi, còn mong cầu tu thiền giải thoát ở cõi dục này rất khó. Vì hầu hết đều bị vướng vào sắc dục (Sex).
Trong khi thiền giải thoát phải đi qua sắc ấm, qua thọ ấm, phải ly dục, rồi phải qua tưởng ấm, phá vỡ hành ấm để vào đến thức ấm. Còn phần đông các vị tu thiền bây giờ có thể nói rằng chưa mấy ai qua được sắc ấm, thọ ấm, vì cảm giác yêu, ghét, mừng, giận, lòng cầu danh lợi v.v… vẫn còn đầy rẫy, làm sao có thể quán chiếu đi vào cái không hải ấy được?!
Tôi nói lên đây chỉ là một tiếng chuông để cảnh giác thế thôi, phải tự mình biết lấy để đừng chấp chước mà rơi vào tà kiến. Tôi xin đọc tiếp bài kệ của ngài Duy Ma:
Hoặc hiện làm dâm nữ,
Dắt dẫn kẻ háo sắc
Trước lấy dục dụ người
Sau khiến vào trí Phật…
Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Bà Tu Mật Đa cũng thị hiện như vậy, dùng sắc đẹp, nụ cười, lời nói, ánh mắt, chạm xúc v.v… để dụ những người tham dục đến, sau khi đến gần, do sức gia trì của ngài, cộng thêm những túc duyên từ nhiều kiếp trước, họ sẽ cảm thấy nhàm chán tham dục. Nên nhớ rằng trong cuộc hành trình đi qua các cõi, các kiếp, những nhân duyên nam, nữ rất nhiều… ở những bậc cao như ngài A Nan và bà Ma Đăng Già thì đã năm trăm trăm kiếp làm vợ chồng, lúc đầu bơi lội trong tình dục, cho đến kiếp thứ năm trăm, một là được gặp Phật, hai là do nhiều thiện duyên từ nhiều kiếp trước, lúc đó tình đời chuyển dần thành tình đạo, vọng tình chuyển thành thánh tình, cả hai cùng đắc đạo. Còn những người tầm thường như chúng ta, có thể kiếp này làm chồng vợ với nhau, bẵng đi một vài kiếp lại làm chồng, làm vợ người khác, rồi bẵng đi không biết bao nhiêu kiếp, nếu khéo tu thì cũng có thể chuyển tình đời thành tình đạo được. Theo đạo Khổng, một tôn giáo nói về nhân thừa và nhân sinh trước mắt thì dạy rằng, người đàn bà phải giữ tiết trinh với chồng, để giữ hệ thống gia tộc và trật tự xã hội, vì người Tầu thường có quan niệm không muốn có giòng giống khác lọt vào gia tộc mình.
Nhưng lên cao hơn nữa, đạo Phật dạy ly dục, đồng thời cũng nói rằng mỗi chúng sanh có vô lượng nhân duyên, không chỉ riêng có một, các nhân duyên triển chuyển làm chồng, làm vợ làm con cháu cho nhau. Nhưng nếu có những cặp yêu nhau một cách liên tục, có thể nhiều đời kiếp liên tiếp làm vợ chồng với nhau, song rút cục đến mức độ nào đó thì hai người cũng phải dắt nhau vào đạo, thăng hoa tình đời thành tình đạo, vì nếu cứ thai sanh hoài mãi thì không bao giờ tiến lên được. Nên chúng ta phải khởi tâm sợ hãi tình dục và nhàm lìa thai sanh, vì đó chính là đầu mối lên lên, xuống xuống trong luân hồi sanh tử mà không biết bao giờ ra khỏi.
Trong kinh cũng kể rất nhiều trường hợp lứa đôi đang đi trên con đường chuyển hóa, tình đời rất ít mà tình đạo rất nhiều, cùng hẹn nhau đi trên bồ tát đạo, mang nhau ra để bố thí, vì tất cả đạo Phật chỉ nằm trong chữ “chuyển’ chuyển từ tình đời sang tình đạo, chuyển từ thai sanh sang hóa sanh, tất cả chỉ là chuyển, vì tâm thức lúc nào cũng chuyển, chuyển tức là “biến hóa,” chuyển cho đến khi tâm ấy bao la không cùng tận, mở rộng không bờ bến để ôm trọn được pháp giới này.
Ngay như “định mệnh” mà nhiều người coi là cố định. Đạo Phật cũng dạy rằng, ta cứ chuyển tâm đi rồi định mệnh cũng sẽ chuyển.
KINH: Trong thành những người chẳng biết công đức trí huệ của cô gái ấy nên nghĩ rằng: Đồng tử này thân căn thanh tịnh, trí huệ sáng suốt chẳng mê, chẳng loạn, nhìn kỹ một tầm, không lười mỏi, không chấp trước, mắt ngó chẳng nháy, tâm không tán động sâu rộng như đại hải. Người như vậy chẳng nên ở nơi cô gái Bà Tu Mật Đa mà có tâm tham ái, có tâm điên đảo, sanh tưởng là sạch, sanh tưởng ái dục, chẳng nên bị nữ sắc cám dỗ… Có người đã biết công đức trí huệ của cô gái này bèn bảo Thiện Tài rằng: Lành thay, lành thay, nay thiện nam tử có thể tìm Bà Tu Mật Đa nữ, thế là đã được lợi lành rộng lớn.
GIẢNG: Người đời phần nhiều tri kiến khác nhau, nên sự hiểu biết không đồng. Có người coi Bà Tu Mật Đa là dâm nữ thật, nhưng người trí thì hiểu đó chỉ là sự thị hiện của Bồ Tát để độ sanh.
KINH: Này thiện nam tử, Bà Tu Mật Đa nữ hiện ở nhà của cô tại chợ Bắc trong thành này.
GIẢNG: Hướng Bắc tượng trưng cho Tâm tịch diệt.
Vị này thị hiện trong vũng sình lầy rất lớn, nhưng tâm vẫn an nhiên bất động.
KINH: Thiện Tài vui mừng hớn hở, đến cổng nhà Bà Tu Mật Đa, thấy nhà này rộng rãi nghiêm lệ, cây báu, hào báu, mỗi mỗi bao quanh mười lớp,… cung điện lầu các đều tráng lệ, của nẻo thành hàng nối nhau … (bỏ một đoạn nói về y báo rất đẹp đẽ…) Thiện Tài thấy Bà Tu Mật Đa nữ nhan mạo đoan nghiêm, sắc tướng viên mãn, da màu chân kim, tóc và mắt màu xanh biếc, chẳng dài, chẳng ngắn, chẵng thô tế. Tất cả hàng nhơn thiên cõi dục không ai sánh bằng…
GIẢNG: Trong kinh tả vị này kỹ hơn vị Ưu Bà Di Bất Động. Nhưng vị này không đẹp bằng vị Ưu Bà Di Bất Động. Kinh tả vị này dung mạo rất đoan trang nhưng chỉ có nhân thiên cõi dục là không ai sánh bằng thôi, còn vị Ưu Bà Di Bất Động thì rất nhiều cõi không có ai sánh bằng. Đọc dần dần chúng ta sẽ thấy đoạn kinh này nói về Căn, Trần, Thức cũng như kinh Lăng Nghiêm.
KINH: Tiếng nói thanh tôi hơn trời Phạm Thế, tất cả ngôn âm sai biệt của tất cả chúng sanh đều biết, đều hiểu. Thấu rõ chữ nghĩa khéo luận đàm. Được trí như huyễn nhập môn phương tiện.
GIẢNG: Vị này cũng tu theo Lăng Nghiêm, nghĩa là tu như huyễn tam ma đề, ngài tu đến mức “phương tiện độ.”
KINH: …Thiện Tài đảnh lễ chân Bà Tu Mật Đa nữ chắp tay cung kính thưa rằng, bạch đức thánh, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề mà chưa biết bồ tát thế nào học bồ tát hạnh, thế nào tu bồ tát đạo… Bà Tu Mật Đa nữ nói, này thiện nam tử ta được bồ tát giải thoát môn tên là “lỵ tham dục tế” tùy chỗ sở thích của chúng sanh mà hiện thân..
GIẢNG: “Tế” là ngằn mé. Có nghĩa là về tham dục, ngài đã diệt sạch đến chỗ ngằn mé rồi, và tùy chỗ sở thích của chúng sanh để thị hiện thọ thân, để độ cho họ…
KINH: Nếu chư Thiên thấy ta thời ta là Thiên Nữ xinh đẹp sáng chói. Như vậy nhẫn đến nhơn hay phi nhơn thấy ta thời ta là nhơn nữ hay phi nhơn nữ.
GIẢNG: Bà Tu Mật Đa có nghĩa là “bạn của thế gian này” trong sách gọi là “thế hữu.” Nhưng ở đây, ngài thị hiện là bạn của người và của chư thiên để kéo những người còn say mê ngũ dục ra khỏi bùn lầy của ngũ dục. Vì vậy, “khi chư thiên thấy ta thì ta hiện thành thiên nữ rất xinh đẹp sáng chói, còn người thấy ta thì ta hiện thành người nữ rất xinh đẹp, hoặc phi nhân cũng thế, nên tùy theo loại mà ngài thị hiện độ sanh.”
KINH: Nếu có người vì lòng dục mà đến tìm ta, gặp ta thuyết pháp, họ nghe pháp rồi thời hết tham dục được “Bồ Tát vô trước cảnh giới tam muội” …
GIẢNG: ở đoạn này kinh dạy về việc thanh tịnh sáu căn của chúng ta, cũng như trong kinh Lăng Nghiêm, vị thiện tri thức này cũng dạy quán chiếu đi lần vào các căn từ ngoài vào trong. Khi vào đến cuối cùng như trong kinh tả là “nếu có chúng sinh nào thân cận ta”…, tức là đã đi sâu vào tàng thức rồi. ở đoạn kinh trên, một người đến chỗ Bà Tu Mật Đa, chưa cần nhìn ngài, chỉ dùng tai để nghe thuyết pháp, cũng được nhĩ căn thanh tịnh, lìa tham dục và đắc tam muội. Vì vậy, đối với các cảnh giới của thế gian này không còn chấp trước nữa, và đó mới chỉ là nghe pháp thôi, chưa nhìn, cũng chưa đi sâu vào cái ý của ngài.
KINH: Nếu có chúng sanh tạm thấy ta, thời lìa tham dục mà được “Bồ Tát hoan hỷ tam muội.”
GIẢNG: “Tạm thấy ta…” tức là nói cái mắt chỉ nhìn sơ qua thôi, chỉ thấy sắc tướng đẹp đẽ trang nghiêm ấy, chứ chưa đi vào đến cái ý thì đã được “bồ tát hoan hỷ tam muội” rồi, vì sao? Vì sắc tướng của ngài thanh tịnh, nên mắt người nhìn cũng trờ thành thanh tịnh mà được hoan hỷ tam muội. Khi tâm lìa được tham dục, thì tâm thênh thang hoan hỷ chứ không còn thô tháo lo âu như trước nữa.
KINH: Nếu có chúng sanh tạm cùng ta nói chuyện, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát vô ngại âm thanh tam muội.
GIẢNG: ở trên là chỉ nhìn qua thôi, bây giờ đi sâu hơn nữa là được nói chuyện với ngài mà nghe được âm thanh vi diệu của ngài, vì nghe cái trần thanh tịnh nên căn cũng được thanh tịnh. Vì vậy nên được ” Vô ngại âm thanh tam muội” . Cũng giống như khi một người gặp được đức Phật, khi nhìn được sắc tướng của ngài là tăng được thiện căn ngay.
KINH: Nếu có chúng sanh tạm cầm tay ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội đến khắp tất cả cõi Phật.
GIẢNG: “Tạm cầm tay ta” có nghĩa là thuộc về xúc giác, khi trần thanh tịnh, thì tự nhiên xúc cũng thanh tịnh, mà khi xúc thanh tịnh thì thân nhẹ nhàng bay bổng nên mới được “Bồ Tát tam muội đến khắp tất cả cõi Phật.”
Ở đây, tôi muốn nói thêm tại sao chúng ta không thể bay được? đi đâu cũng phải tùy vào những duyên bên ngoài như xe cộ, máy bay, tại sao thân này cũng hiện lên từ hào quang của tâm, đáng lẽ nó phải nhẹ nhàng bay được mới phải? Là vì từ vô lượng kiếp, chúng ta bơi lội trong tham dục, nên quên cái thân này, xúc giác này là do tâm ấy khởi lên, mà cứ nghĩ rằng thân này là vật có thật, ù lỳ, nặng chịch, nên nó trở thành vọng tưởng kiên cố và vì vậy chúng ta không thể bay được. Nên trong cuốn “Thiền căn bản” có dạy rằng phải quán tâm lực như gió, và thân như bông, quán lâu thì tự nhiên tâm lực đẩy thân này bay được… ở đoạn kinh này, nói rằng ta không cần phải quán gì nhiều nhưng chỉ cần cầm tay của Bà Tu Mật Đa, như thế là vì cầm được vào trần thanh tịnh, thì tự nhiên do lực của ngài nên xúc căn của ta cũng thanh tịnh, có thể bay được và đi tất cả cõi Phật.
KINH: Nếu có chúng sanh tạm lên trên chỗ ngồi của ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát giải thoát quang minh tam muội.
GIẢNG: Khi lên được chỗ ngồi gần ngài, nghe được mùi hương thanh tịnh của ngài thì tỷ cũng thanh tịnh vì vậy mới đắc được “Bồ tát giải thoát quang minh tam muội.” Tất cả chĩ là sự tương Ưng giữa căn và trần… Mùi hương là những quang minh vi diệu hơn, nên được Giải thoát quang minh tam muội.
KINH: Nếu có chúng sanh tạm nhìn ta thời lìa tham dục mà được Bồ tát tịch tịnh trang nghiêm tam muội.
GIẢNG: Trong đoạn kinh trước có nói đến chữ “tạm thấy ta,” ở đây lại nói đến chữ “tạm nhìn ta.” Vậy sự khác nhau là ở chỗ nào? chữ “tạm thấy…” thì chỉ là một cái nhìn thoáng qua, còn chữ “tạm nhìn ta…” là nhìn kỹ hơn, lúc này hành giả dùng cái mắt, đồng thời dùng ý của mình để nhận thức nên mới được “Bồ Tảt tịch tịnh trang nghiêm tam muội.” Sở dĩ chúng ta hay bồi hồi, sợ hãi lăng nhăng là vì cái ý của chúng ta không thanh tịnh, ý sợ cái này, lo cái khác v.v… nên tâm không được tịch tĩnh tang nghiêm.
KINH: Nếu có chúng sanh thấy mắt ta nháy, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát Phật cảnh giới quanh minh tam muội.
GIẢNG: Thỉnh thoảng chúng ta hay nháy mắt là vì tâm chúng ta động. Chư Thiên không bao giờ nháy mắt, vì vậy tâm chư Thiên không động mấy. Nháy tức là tâm ý của chúng ta vậy. Còn ở đây, chúng ta nhìn thấy Bà Tu Mật Đa nháy mắt, là ta phải hiểu cái tâm ý của ngài nên chúng ta cũng được ý thanh tịnh như ngài, và được “Bồ Tát Phật cảnh giới quang minh tam muội.
KINH: Nếu có chúng sanh ôm ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội nhiếp tất cả chúng sanh hằng chẳng bỏ lìa.
GIẢNG: “Ôm ta…” có nghĩa là cả ý và năm căn ở ngoài, vì vậy nên người ôm được cả sáu căn thanh tịnh, do đó có lòng đại bi được tam muội có thể độ chúng sanh chẳng hề bỏ lìa.
KINH: Nếu có chúng sanh nút môi ta, thời lìa tham dục mà được Bồ Tát tam muội tăng trưởng phước đức tạng cho tất cả chúng sanh.
GIẢNG: Nếu theo sự suy nghĩ của người phàm tục, thì chắc nhiều người cũng phải khẽ cau mày mà nghĩ rằng, tại sao kinh lại nói gì mà có vẻ… thô tục thế? Nhưng như tôi đã nói nhiều lần, kinh thường mang đủ hai nghĩa trong ngoài, nghĩa đen, nghĩa bóng, ở đây chữ “Nút môi…” thuộc về vị căn và xúc căn vì vậy được vị và xúc căn thanh tịnh nên sanh trưởng rất nhiều phước đức, rồi hồi hướng cho tất cả.
KINH: Phàm có chúng sanh nào thân cận ta, tất cả đều lìa tham dục mà được nhập Bồ Tát nhất thiết trí hiện tiền giải thoát vô ngại.
GIẢNG: “Thân cận ta…” thì hơn cái mức “nút môi ta…” vì ở đây là bao gồm cả ý và năm căn kia, có nghĩa là biết rõ tâm thanh tịnh và thân thanh tịnh, có thể vào đến tàng thức rồi, nên được “Bồ Tát nhất thiết trí hiện tiền giải thoát vô ngại.”
Đó là hết vị thiện tri thức thứ 25.
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
Việt Dịch: Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám
DỤC GIỚI
"A-nan, các người thế-gian, không cầu-đạo thường-trụ, chưa có thể rời-bỏ được sự ân-ái với vợ mình, nhưng tâm không buông-lung trong việc tà-dâm, do tâm đứng-lặng sinh ra sáng-suốt, sau khi mệnh-chung ở gần với mặt trời, mặt trăng; một loài như thế, gọi là Tứ-Thiên-Vương-Thiên.
Đối với vợ mình, dâm-ái ít-ỏi, trong lúc tịnh-cư, không được toàn-vị, thì sau khi mệnh-chung, vượt ánh-sáng mặt trời, mặt trăng, ở trên chóp nhân-gian; một loài như thế, gọi là Đao-lợi-thiên.
Gặp cảnh-dục tạm theo, bỏ đi không nhớ-nghĩ, ở trong nhân-gian, động ít, tĩnh nhiều, thì sau khi mệnh-chung, sáng-rỡ ở yên trong cõi hư-không, ánh-sáng mặt trời, mặt trăng không soi đến được; và những người ấy tự mình có ánh-sáng; một loài như thế, gọi là Tu-diệm-ma-thiên.
Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm-xúc đến bên mình, chưa chống-đối được, thì sau khi mệnh-chung, lên trên chỗ tinh-vi, không tiếp với những cảnh nhân-thiên cõi dưới, cho đến gặp hoại-kiếp, tam-tai cũng không đến nơi; một loài như thế, gọi là Đâu-suất-đà-thiên.
Chính mình không có tâm dâm-dục, chỉ đáp-ứng với người khác mà làm, trong lúc phô-bày, vô-vị như ăn sáp, thì sau khi mệnh-chung, vượt lên sinh vào cảnh biến-hóa; một loài như thế, gọi là Lạc-biến-hóa-thiên.
Không có tâm thế-gian, chỉ đồng với thế-gian mà làm việc ngũ-dục; trong lúc làm việc ấy, rõ-ràng là siêu-thoát, thì sau khi mệnh-chung, vượt trên tất-cả những cảnh biến-hóa và không biến-hóa; một loài như thế, gọi là Tha-hóa-tự-tại-thiên.
A-nan, sáu cõi-trời như thế, hình-thức tuy khỏi động, nhưng tâm-tính còn dính-dấp; từ các cõi ấy trở xuống, gọi là Dục-giới.
CHỈ VỀ QUYẾT ĐỊNH ĐOẠN LÒNG DÂM
"A-nan, thế nào thu-nhiếp cái tâm thì gọi là giới?
Nếu chúng-sinh lục-đạo các thế-giới, cái tâm không dâm, thì không đi theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội cốt để ra khỏi trần-lao, nếu không trừ lòng dâm, thì không thể ra khỏi trần-lao được. Dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma-đạo, hạng trên thành ma-vương, hạng giữa thành ma-dân, hạng dưới thành ma-nữ; các bọn ma kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng. Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều bọn ma nầy sôi-nổi trong thế-gian, gây nhiều việc tham-dâm, lại giả làm người thiện-tri-thức, khiến cho các chúng-sinh sa vào hầm ái-kiến; bỏ mất con đường Bồ-đề. Ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-đề, trước hết phải đoạn cái dâm trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy-bảo rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ nhất của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn. Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền-định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng, vì cớ sao? Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản-nhân của cơm vậy. Ông đem thân dâm cầu diệu-quả của Phật, dầu được diệu-ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cỗi-gốc đã thành dâm, thì phải trôi-lăn trong tam-đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu-chứng Niết-bàn Như-lai. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống dâm, cho đến tính-đoạn cũng không còn nữa, thì mới trông-mong chứng quả Bồ-đề của Phật. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
Niệm Phật Thập Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
- Nhân tiện xin nhắc lại một câu chuyện về vọng tưởng vi tế, cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức: Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư đều ngộ đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái, Ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt. Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: "Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả."
Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau bị ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật. Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế. Tiên đức có câu:
Công phu không thiếu cũng không dư.
Muôn kiếp tham si chửa dễ trừ!
Vậy người tu khi có chút cảnh giới tốt chớ vội khoe khoang tự đắc, phải nhìn gương ngài Giới Diễn. Và cũng đừng vội tự thị chê bai kẻ khác, mà phải xem gương Quang Huệ thiền sư.
- Lại một vị tiên là Lưu Trường Sanh sau khi luyện đơn thành, xuất thần bay lên chỗ bà Diêu Trì Kim Mẫu, thấy chư tiên nữ dung sắc cực kỳ xinh đẹp khó tả, khó họa, ông liền động tâm. Kim Mẫu quở rằng: "Ngươi tuy thành đạo, mà niệm sắc ái chưa tiêu, làm sao xứng đáng liệt vào hàng tiên phẩm?" Trường Sanh hổ thẹn, trở xuống cõi nhân gian, dùng phép điểm đá hóa vàng, vào chỗ lầu xanh mướn năm bảy cô dâm nữ đẹp nhất, cùng nhau chung sống. Trong hai năm trời ông nằm gần các cô dâm nữ lõa thể để luyện trừ niệm sắc dục. Khi xét thấy mình tâm đã bất động, ông bảo các cô ấy làm bánh, rồi để bánh trên bụng vận lửa đơn điền nướng chín, đem đãi các cô, nói đạo khai ngộ cho, xong mới cỡi mây bay đi.
- Một độ nọ bút giả về Phật Học Viện Huệ Nghiêm, gặp ngài tọa chủ chùa Thuyền Lâm. Trong khi đàm đạo ngài thuật chuyện rằng: "Trước kia ở ngoài Trung có một vị sư tu thiền khá công phu, mỗi lần có thể ngồi lâu đến sáu bảy giờ. Có lẽ muốn dứt trừ nhiễm duyên, sư thường lẩn tránh người nữ, thậm chí cô nào đến viếng chùa rồi về, ông cũng xách nước quét rửa chỗ ngồi của cô ấy. Thời gian sau, sư đến ở trọ chùa Thập Tháp tại Bình Định. Một buổi sáng, đang khi tọa thiền trong liêu, sư bỗng la lên rồi chạy ra ngoài. Hòa thượng Thập Tháp hỏi lý do, sư đáp: "Tôi đang tham thiền bỗng thấy một người nữ xinh đẹp đến ôm cổ." Nói xong, chiều lại sư mệt mỏi nằm bịnh, gọi hòa thượng Thập Tháp vào bảo: "Ngài phải làm sao cưới gấp cho tôi một cô vợ, bằng không bắt đầu từ chiều nay tôi sẽ tuyệt thực cho đến chết?" Cụ Thập Tháp cho gọi một bà Phật tử tín cẩn đến bàn luận, bà ấy bảo: "Để con về gọi đứa tớ gái của con, bảo nó giả vờ chịu đỡ để dẫn dụ sư ăn uống cho mạnh rồi sẽ hay." Sáng hôm sau, hòa thượng đưa cô tớ gái vào và bảo: "Tôi đã bàn định xong, có cô này ưng chịu làm vợ của Ngài đây." Sư nghe nói mở mắt ra nhìn, nắm tay cô tớ gái vuốt ve một hồi rồi tắt hơi."
- Nhớ lại hồi năm 1960 có các Phật tử đem tờ báo Tiếng Chuông đến, chỉ hình nhà sư Nhật Bản bắt tay một kỷ nữ lõa thể, chỉ còn mặc chiếc quần nhỏ, và phê bình là lối tu tân thời trái với đạo lý. Bút giả đã giải thích: "Chớ hiểu lầm, đó là lối nghiệm tâm của các thiền sư Nhật Bản, để xem mình đối với nữ sắc còn động chăng? Nếu chưa được như như bất động, họ sẽ trở về tu lại. Vị sư này cũng đã thiền định đến mức khá cao rồi, mới dám làm như thế."
Để kết luận, bậc trí lực chẳng những không ngại chướng duyên, mà còn mượn chướng duyên để tu tiến. Các vị ấy không còn chấp nê hình thức, vì hình thức chỉ là phương tiện mà nội tâm mới là cứu cánh.
Niệm Phật
Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên
Cửa rồng tăm cá vượt
Đỉnh nhạn bóng chim qua
Khách đi nghìn dặm biệt sơn hà
Đường tu gian khổ
Chướng ngại trải hằng sa
Nghịch thuận duyên ma khảo
Thương ghét nợ oan gia
Khá thương kham nhẫn cõi Ta Bà
Khổ vui bao quản
Vinh nhục tợ sương hoa
Nhẫn nại bền lòng tinh tiến mãi
Ác vàng thỏ bạc
Năm tháng sẽ dần dà...
Comments
Post a Comment