Shurangama Mantra with Verses and Commentary

by Venerable Tripitaka Master Hsuan Hua




384. BA CA PHẤN

波迦泮

PAKĀYA PHAT

 

 

Thù thắng diệu hảo Phật đảnh tôn

Tam thập nhị tướng độ quần luân

Nhất thiết như ý tùy tâm hiện

Vạn sự hanh thông chỉ mê tân.

 

殊勝妙好佛頂尊

三十二相度群倫

一切如意隨心現

萬事亨通指迷津

 


ŌM! BA CA PHẤN.

MAU THÀNH TỰU PHƯƠNG TIỆN BA LA MẬT



9.- THẮNG NHIỆT BÀ LA MÔN


Này thiện nam tử ! Ta chỉ được  “MÔN BỒ TÁT VÔ TẬN LUÂN GIẢI THOÁT”.


 

Bấy giờ Thiện Tài đồng tử nhờ Bồ Tát vô thắng tràng giải thoát chiếu đến nên được trụ chư Phật bất tư nghì thần lực, được chứng Bồ Tát bất tư nghì giải thoát thần thông trí, được Bồ Tát bất tư nghì tam muội trí quang minh, được tất cả thời gian huân tu tam muội trí quang minh, được biết rõ tất cả cảnh giới đều nương tưởng mà an trụ tam muội trí quang minh, được tất cả thế gian thù thắng trí quang minh. Ðều hiện thân mình ở tất cả chỗ. Dùng trí cứu cánh nói pháp bình đẳng không hai không phân biệt. Dùng trí sáng sạch chiếu khắp cảnh giới. Phàm những pháp được nghe đều có thể nhẫn thọ tin hiểu thanh tịnh. Nơi pháp tự tánh quyết định rõ ràng. Tâm luôn chẳng bỏ Bồ Tát diệu hạnh. Cần nhứt thiết trí trọn không thối chuyển. Chứng được thập lực trí huệ quang minh. Siêng cầu diệu pháp thường chẳng nhàm đủ. Dùng chánh tu hành nhập Phật cảnh giới. Xuất sanh bồ tát vô lượng trang nghiêm, vô biên đại nguyện đều đã thanh tịnh. Dùng trí vô cùng tận mà biết vô biên thế giới võng. Dùng tâm không khiếp nhược mà độ vô lượng chúng sanh hải. Rõ vô biên công hạnh cảnh giới của Bồ Tát. Thấy vô biên thế giới những thứ sai biệt, những thứ trang nghiêm. Nhập vô biên thế giới những cảnh vi tế. Biết vô biên thế giới những danh hiệu, những ngôn ngữ. Biết vô biên chúng sanh các tri giải, các công hạnh, các hạnh thành thục, những tưởng sai biệt.

Thiện Tài nghĩ tưởng thiện tri thức đồng thời đi lần đến tụ lạc Y Sa Na, thấy THẮNG NHIỆT BÀ LA MÔN tu những khổ hạnh cầu nhứt thiết trí : bốn phía đốt lửa ngọn cao như núi lớn, ở giữa có núi đao cao nhọn vô cực. Thắng Nhiệt leo lên núi đao nhảy vào đống lửa.

Lúc đó Thiện Tài đến đảnh lễ chân Thắng Nhiệt mà thưa rằng :

Bạch đức Thánh ! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo ?

Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo, xin giảng giải cho tôi.

Thắng Nhiệt nói : Này thiện nam tử ! Nay ngươi có thể leo lên núi đao này, nhảy vào đống lửa này, thời những Bồ Tát hạnh sẽ được thanh tịnh.

Lúc đó thiện Tài nghĩ rằng được thân người là khó, lìa các nạn là khó, được không nạn là khó, được tịnh pháp là khó, được gặp Phật là khó, đủ các căn là khó, nghe Phật pháp là khó, gặp người lành là khó, gặp chơn thiện tri thức là khó, thọ chánh giáo đúng lý là khó, được chánh mạng là khó, tùy pháp hành là khó. Ðây phải chăng là ma, bị ma sai sử chăng ? Phải chăng là đồ đảng hiểm ác của ma trá hiện tướng Bồ Tát thiện tri thức mà muốn làm chướng nạn cho thiện căn của tôi, muốn làm nạn thọ mạng để chướng sự tu hành đạo nhất thiết trí của tôi. Muốn kéo tôi vào trong các ác đạo. Muốn chướng pháp môn của tôi, chướng Phật pháp của tôi chăng ?

Lúc Thiện Tài suy nghĩ như vậy, mười ngàn Phạm Thiên ở trên hư không bảo rằng :

Này thiện nam tử ! Chớ nghĩ như vậy, chớ tưởng như vậy. Ðức Thánh đây đã được kim cang diện tam muội quang minh, phát đại tinh tấn độ các chúng sanh tâm không thối chuyển, muốn cạn tất cả biển tham ái, muốn triệt tất cả lưới tà kiến, muốn thiêu tất cả củi phiền não, muốn soi tất cả rừng mê lầm, muốn dứt tất cả điều lo sợ về vấn đề già chết, muốn hoại tất cả chướng tam thế, muốn phóng tất cả pháp quang minh.

Này thiện nam tử ! Phạm Thiên chúng tôi phần nhiều chấp tà kiến, đều tự cho mình là bậc tự tại, là đấng làm ra tất cả, là tối thắng trong thế gian.

Khi thấy Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, lòng chúng tôi không còn mến luyến cung điện của mình, chẳng còn tham đắm các thiền định, cùng nhau đến chỗ Bà La Môn này.

Bấy giờ Bà La Môn này dùng sức thần thông hiển thị sự khổ hạnh lớn vì chúng tôi mà thuyết pháp, có thể làm cho chúng tôi diệt tất cả sự chấp, trừ tất cả kiêu mạn, an trụ đại từ, thật hành đại bi, phát khởi tâm quảng đại, phát Bồ đề tâm, thường thấy chư Phật, hằng nghe diệu pháp, ở tất cả chỗ tâm không chướng ngại.

Lại có mười ngàn chư ma ở trên hư không đem thiên ma ni bửu rải trên mình Bà La Môn mà bảo Thiện Tài đồng tử rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa chiếu khuất chúng tôi, cung điện và những đồ trang nghiêm của chúng tôi đều như đống mực đen, làm cho chúng tôi không còn mến luyến.

Chúng tôi cùng quyến thuộc đến chỗ Bà La Môn. Ðức Thánh này nói pháp cho chúng tôi, làm cho chúng tôi và vô lượng Thiên Tử cùng vô lượng Thiên nữ đều chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề.

Lại có mười ngàn Tự Tại Thiên Vương ở trên hư không rải thiên hoa, nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa này chiếu khuất chúng tôi, bao nhiêu cung điện và đồ trang nghiêm đều tối như đống mực, làm cho chúng tôi không còn mến luyến, bèn cùng quyến thuộc đến chỗ Bà La Môn. Ðức Thánh này vì chúng tôi mà thuyết pháp, làm cho chúng tôi được tự tại nơi tâm, được tự tại trong phiền não, được tự tại trong thọ sanh, được tự tại nơi nghiệp chướng, được tự tại nơi các tam muội, được tự tại nơi những đồ trang nghiêm, được tự tại nơi thọ mạng, nhẫn đến được tự tại nơi tất cả Phật pháp.

Lại có mười ngàn Hóa Lạc Thiên Vương ở trong hư không trổi thiên nhạc cung kính cúng dường, nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa này chiếu đến cung điện, đồ trang nghiêm và thể nữ của chúng tôi. Làm cho chúng tôi chẳng thọ dục lạc, chẳng cầu dục lạc, thân tâm nhu nhuyến. Chúng tôi liền cùng quyến thuộc đến chỗ của Bà La Môn này. Ðức Thánh này vì chúng tôi mà thuyết pháp, làm cho thân tâm chúng tôi thanh tịnh, tâm được sáng sạch, tâm được thuần thiện, tâm nhu nhuyến, tâm hoan hỷ, nhẫn đến làm cho chúng tôi được thân thanh tịnh, thập lực thanh tịnh, sanh vô lượng thân cho đến được Phật thân, Phật ngữ, Phật thanh, Phật tâm thành tựu đầy đủ nhất thiết chủng trí.

Lại có mười ngàn Ðâu Suất Thiên Vương, Thiên Tử, Thiên Nữ và quyến thuộc ở trên hư không rưới những diệu hương cung kính đảnh lễ, nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, làm cho chư Thiên chúng tôi và quyến thuộc không còn mến luyến cung điện của mình, đồng đến chỗ này nghe đức Thánh đây thuyết pháp. Có thể làm cho chúng tôi chẳng tham cảnh giới thiểu dục tri túc tâm sanh hoan hỷ, tâm được sung mãn phát sanh thiện căn, phát Bồ đề tâm nhẫn đến viên mãn tất cả Phật pháp.

Lại có mười ngàn Ðao Lợi chư Thiên và quyến thuộc Thiên Tử, Thiên Nữ ở trên hư không rải hoa thiên mạn đà la cung kính cúng dường, nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, làm cho chư Thiên chúng tôi chẳng mến luyến thiên âm nhạc, đồng đến chỗ này. Ðức Thánh đây vì chúng tôi mà nói những pháp vô thường hư tan, làm cho chúng tôi bỏ rời những dục lạc, dứt trừ kiêu mạng phóng dật, thích Vô thượng Bồ đề.

Lại này thiện nam tử ! Lúc chúng tôi thấy đức Thánh đây, thời đảnh núi Tu Di chấn động sáu cách, chúng tôi kinh sợ, đồng phát tâm Bồ đề kiên cố chẳng động lay.

Lại có mười ngàn Long Vương, như là Y Na Bạt La Long Vương, Nan Ðà Long Vương, Ưu Ba Nan Ðà Long Vương v.v… Ở trên hư không mưa hắc chiên đàn vô lượng, Long Nữ tấu thiên âm nhạc, rải thiên diệu hoa và thiên hương thủy cung kính cúng dường. Nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa này chiếu khắp tất cả Long Cung, làm cho Long Chúng khỏi sợ cát nóng, khỏi sợ kim sí điểu, trừ sân hận, thân mát mẻ, tâm không nhơ, nghe pháp liền tin hiểu, nhàm rét loài rồng, chí thành sám hối nghiệp chướng, nhẫn đến phát tâm Vô thượng Bồ đề an trụ nơi Nhứt thiết trí.

Lại có mười ngàn Dạ Xoa Vương ở trên hư không cung kính cúng dường Bà La Môn này và Thiện Tài đồng tử mà nói rằng :

Này Thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, chúng tôi cùng quyến thuộc đều phát tâm từ mẫn đối với chúng sanh. Tất cả La Sát, Cưu Bàn Trà … Cũng sanh lòng từ mẫn. Vì có tâm từ mẫn nên không não hại chúng sanh, đồng đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi và đại chúng ấy không luyến mến cung điện của mình, đồng nhau đến chỗ này. Ðức Thánh đây liền theo sở nghi mà thuyết pháp làm cho chúng tôi thâm tâm đều được an lạc. Lại làm cho vô lượng Dạ Xoa, La Sát, Cưu Bà Trà … Phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Lại có mười ngàn Càn Thát Bà Vương ở trên hư không mà nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn đây dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa này chiếu cung điện của chúng tôi, làm cho chúng tôi thọ bất tư nghì vô lượng khoái lạc. Vì thế chúng tôi đến chỗ này. Ðức Thánh đây vì chúng tôi mà thuyết pháp làm cho chúng tôi được chẳng thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại có mười ngàn A Tu La Vương ra khỏi đại hải ở giửa hư không duỗi đầu gối hữu chắp tay làm lễ mà nói rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, thời cung điện của chúng tôi và đại hải, đại địa đều chấn động, làm cho chúng tôi bỏ kiêu mạn phóng dật. Do đó chúng tôi đến chỗ này nghe pháp, rời bỏ siễm cuống, an trụ nhẫn địa kiên cố bất động, viên mãn thập lực.

Lại có mười ngàn Ca Lâu La Vương, Dũng Lực Trì Vương làm thượng thủ. Ðồng hóa làm thân ngoại đạo đồng tử ở trên không xướng rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa chiếu cung điện chúng tôi, tất cả đều chấn động, thảy đều kinh sợ. Do đó chúng tôi đồng đến chỗ này. Ðức Thánh đây tùy nghi mà thuyết pháp cho chúng tôi, khiến chúng tôi tu tập đại từ, khen ngợi đại bi, qua khỏi biển sanh tử, ở trong sình lầy ái dục mà cứu vớt chúng sanh, khen Bồ đề tâm, khởi trí phương tiện, tùy sở nghi điều phục chúng sanh.

Lại có mười ngàn Khẩn Na La Vương ở trong hư không xướng rằng :

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, thời cung điện của chúng tôi ở, cùng những cây đa la, cây âm nhạc, cây diệu bửu, những lưới bửu linh, những giây lụa báu và những nhạc khí tự nhiên vang ra tiếng Phật, tiếng Pháp và tiếng bất thối chuyển Bồ Tát Tăng, tiếng nguyện cầu Vô thượng Bồ đề, nói rằng : phương đó, nước đó có Bồ Tát đó phát Bồ đề tâm. Phương đó, nước đó có Bồ Tát tu hành khổ hạnh, khó xả mà xả được, nhẫn đến thanh tịnh hạnh nhất thiết trí. Phương đó, nước đó có Bồ Tát đó qua đạo tràng. Nhẫn đến phương đó nước đó có đức Như Lai đó làm Phật sự xong liền nhập Niết bàn.

Này thiện nam tử ! Giả sử có người đem tất cả cỏ cây ở Diêm Phù Ðề nghiền nát thành vi trần, có thể đếm biết được số vi trần này. Còn trong cung điện của chúng tôi, những cây đa la nhẫn đến nhạc khí nói Bồ Tát danh, Như Lai danh phát đại nguyện chỗ tu hành  …không ai biết được ngằn mé.

Này thiện nam tử ! Vì chúng tôi được nghe tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Bồ Tát Tăng nên rất hoan hỷ, cùng nhau đến chỗ này. Ðức Thánh này liền vì chúng tôi mà thuyết pháp. Làm cho chúng tôi và vô lượng chúng sanh được bất thối chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại có vô lượng chư Thiên Dục giới ở trên hư không dùng đồ cúng vi diệu cung kính cúng dường, xướng rằng.

Này thiện nam tử ! Lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa này chiếu sáng tất cả địa ngục A Tỳ. Những kẻ chịu khổ đều làm cho thôi dứt. Chúng tôi thấy ánh sáng lửa này liền sanh lòng tịnh tín. Do lòng tin nên thân địa ngục chết được sanh lên cõi trời. Nhớ ơn, nên chúng tôi đến đây cung kính chiêm ngưỡng đức Thánh này lòng không nhàm đủ. Ðức Thánh đây vì chúng tôi mà thuyết pháp, làm cho vô lượng chúng sanh phát Bồ đề tâm.

Lúc đó Thiện Tài đồng tử nghe pháp như vậy lòng rất hoan hỷ, xem Bà La Môn Thắng Nhiệt là bậc chân thiện tri thức, cúi đầu kính lễ, xướng rằng :

Tôi sanh lòng bất thiện đối với đức Thánh thiện tri thức, ngưỡng mong đức Thánh cho tôi sám hối.

Thắng Nhiệt Bà La Môn vì Thiện Tài mà nói kệ rằng :


Nếu có chư Bồ Tát

Thuận theo thiện tri thức

Tất cả không nghi sợ

An trụ tâm chẳng động

Nên biết người như vậy

Tất được lợi quảng đại

Ngồi dưới cây Bồ đề

Thành bậc Vô Thượng Giác.


Bấy giờ Thiện Tài đồng tử liền leo lên núi đao tự nhảy vào đống lửa. Khi rơi xuống giữa chừng. Thiện Tài liền chứng được Bồ Tát thiện trụ tam muội. Vừa chạm ngọn lửa, Thiện Tài lại chứng được Bồ Tát tịch tịnh lạc thần thông tam muội.

Thiện Tài thưa :

Bạch đức Thánh ! Núi đao và đống lửa này, thân tôi vừa chạm đến thời được an ổn khoái lạc.

Thắng Nhiệt Bà La Môn nói :

Này thiện nam tử ! Ta chỉ được “MÔN BỒ TÁT VÔ TẬN LUÂN GIẢI THOÁT”.

Còn như ngọn lửa đại công đức của chư đại Bồ Tát có thể đốt cháy kiến hoặc của tất cả chúng sanh không để thừa, tất được bất thối chuyển, tâm vô cùng tận, tâm không giải đãi, tâm không khiếp nhược, phát tâm kiên cố như kim cang tạng, tâm chóng tu các công hạnh không trì hưỡn, nguyện như phong luân trì khắp tất cả đại thệ tinh tấn đều không thối chuyển, ta thế nào biết hết được, nói hết được công đức hạnh đó.

Này thiện nam tử ! Phương Nam đây có một thành tên là Sư Tử Phấn Tấn, trong thành ấy có một đồng nữ tên là Từ Hạnh. Người đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo ?

Lúc đó Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Thắng Nhiệt Bà La Môn, hữu nhiễu vô lượng vòng từ tạ mà đi.


Kinh:

Này thiện nam tử, phương Nam đây có một tụ lạc tên là Y Sa Na, có Bà La Môn tên là Thắng Nhiệt. Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo… Thiện Tài Đồng Tử vui mừng hớn hở, đảnh lễ tiên nhơn Tỳ Mục Cù Sa, hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng từ tạ mà đi qua phương Nam.

Giảng:

Thắng Nhiệt là lửa tối thắng. Đoạn này là trong kinh nói về tà kiến, xin đọc cho quí vị nghe một đoạn, tôi xin tóm lược…

Kinh:

Bấy giờ Thiện Tài Đồng Tử nhờ Bồ Tát vô thắng tràng giải thoát chiếu đến nên được trụ chư Phật bất tư nghi thần lực, được chúng Bồ Tát bất tư nghi giải thoát, thần thông trí, được Bồ Tát bất tư nghi tam muội v.v… đều hiện thân mình ở tất cả chỗ…

Giảng:

“Đều hiện thân mình ở khắp tất cả chỗ…,” lúc này, Thiện Tài đã biết bắt đầu hiện hóa thân rồi…

Kinh:

Dùng trí cứu cánh nói pháp bình đẳng không hai không phân biệt. Dùng trí sáng sạch chiếu khắp cảnh giới…, dùng tâm không khiếp nhược mà độ vô lượng chúng sanh hải. Thấy vô biên thế giới những thứ sai biệt, những thứ trang nghiêm. Nhập vô biên thế giới những cảnh vi tế. Biết vô biên thế giới những danh hiệu, những ngôn ngữ. Biết vô biên chúng sanh các tri giải, các công hạnh, các hạnh thành thục những tưởng sai biệt…

Giảng:

Có nhiều vị thắc mắc rằng không hiểu sao không thấy Thiện Tài độ sanh gì cả, nhưng có lẽ những vị đó không để ý kỹ, vì ngay đoạn này kinh nói rất rõ rằng Thiện Tài độ sanh rất nhiều, vì sao? Vì khi ngài được những môn tam muội rồi, thì hiện thân vô lượng để độ sanh. “Biết vô biên chúng sanh hải…”để độ sanh, “biết các công hạnh, các hạnh thành thục, những tưởng sai biệt.”để độ sanh, tức là trong thời gian này Thiện Tài đã biến hóa và độ sanh rất nhiều… Theo Hoa Nghiêm, Bồ Tát sơ địa đã có thể hiện 100 hóa thân.

Kinh:

Thiện Tài nghĩ tưỏng thiện tri thức đồng thời đi lần đến tụ lạc Y Sa Na, thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn tu những khổ hạnh cầu nhất thiết trí, bốn phía đốt lửa ngọn cao như núi lớn,  giữa có núi đao cao nhọn vô cực. Thắng Nhiệt leo lên núi đao nhảy vào đống lửa.

Giảng:

Khi Thiện Tài đến, thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn làm một đống lửa lớn giữa có núi đao, sau đó trèo lên núi cao nhảy xuống đống lửa. Chúng ta cũng nên hiểu thế nào là cái “núi đao” và “đống lửa” đó.

Kinh:

Lúc đó Thiện Tài đến đảnh lễ chân Thắng Nhiệt mà thưa rằng: Bạch đức Thánh, tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo? Tôi nghe đức Thánh khéo dạy bảo xin giảng giải cho tôi. Thắng Nhiệt nói: Này thiện nam tử, nay ngươi có thể leo lên núi đao này, nhảy vào đống lửa này, thời những Bồ Tát hạnh sẽ được thanh tịnh.

Giảng:

Ở đây, chúng ta cũng vẫn phải hiểu hai nghĩa, tức là có một vị Bà La Môn tu cái pháp môn đó thật, tức là làm một núi đao thật lớn, trong đống lửa lớn, rồi trèo lên cao gieo mình vào đống lửa. Còn nghĩa đen, thì chúng ta phải hiểu “núi đao” là tượng trưng cho tất cả những tà kiến và sở tri chướng, còn”núi lửa” tượng trưng cho lửa của 5 thứ, tức là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Ngài dùng những trí huệ đó để đốt núi đao tà kiến. Vì sao? Vì khi chúng ta mang những tà kiến trong người chẳng khác nào chúng ta mang những con dao trong người, dao đó nó có thể chém chết “giới thân huệ mạng” của mình, vì thế phải dùng năm trí huệ để đốt nó. Như tôi đã nhắc nhiều lần, tà kiến nặng nhất là kiêu mạn, tà kiến thứ nhì là ái luyến cái pháp, được cái gì thì nắm chắc lấy nó rồi tự cao. ở các bậc cao thì tham dục không còn mấy nữa, nhưng các ngài lại vấp cái kiêu mạn và ái luyến về pháp, cũng như nếu ngài Thiện Tài khởi tâm kiêu mạn thì ngài sẽ thành Thiên Ma ngay, rồi sẽ thọ sanh trong cung trời Tha Hóa Tự Tại. Vì thế, cần để ý kỹ đến vấn đề ma chướng trong kinh Lăng Nghiêm. Nếu tu Như Huyễn Tam Ma Đề đến mức độ khá mà còn khởi tâm kiêu mạn thì lập tức thành Thiên Ma ngay. Nên tâm kiêu mạn rất nguy hiểm, còn như ái luyến pháp thì nguy hiểm là hành giả không thể đi lên được, mà dừng chân ở đó thôi. Sau khi ngài Thắng Nhiệt bảo Thiện Tài như vậy, lúc đó Thiện Tài bắt đầu nghi ngờ.

Kinh:

Lúc đó Thiện Tài nghĩ rằng được thân người là khó, lìa các nạn là khó, được không nạn là khó, được tịnh pháp là khó, đủ các căn là khó, nghe Phật pháp là khó, gặp người lành là khó, gặp chân thiện tri thức là khó, thọ chánh giáo đúng lý là khó, được chánh mạng là khó, tùy pháp hành là khó. Đây phải chăng là ma, bị ma sai sử chăng? Phải chăng là đồ đảng hiểm ác của ma trá hiện tướng Bồ Tát thiện tri thức mà muốn làm chướng nạn cho thiện căn của tôi, muốn làm nạn thọ mạng để chướng sự tu hành dạo nhất thiết trí của tôi. Muốn kéo tôi vào trong các ác đạo. Muốn chướng pháp môn của tôi, chướng Phật pháp của tôi chăng?

Giảng:

Vì Thiện Tài là người có quá nhiều thiện căn và phước đức, nên lập tức có vô lượng chư thiên hiện lên cảnh giác ngay lập tức.

Kinh:

Lúc Thiện Tài suy nghĩ như vậy, mười ngàn Phạm Thiên ở trên hư không bảo rằng: Này thiện nam tử, chớ nghĩ như vậy, chớ tưởng như vậy. Đức Thánh đây đã được kim cang dỉệm tam muội quang minh…

Giảng:

“Kim Cang Diệm Tam Muội Quang Minh” là trong đó dùng lửa kim cang của trí huệ đốt tất cả những tà kiến.

Kinh:

Phát đại tinh tấn độ các chúng sanh tâm không thối chuyển, muốn cạn tất cả biển tham ái, muốn triệt tất cả lưới tà kiến, muốn thiêu tất cả củi phiền não, muốn soi tất cả rừng mê lầm, muốn dứt tất cả điều lo sợ về vấn đề già chết, muốn hoại tất cả chướng tam thế, muốn phóng tất cả pháp quang minh…

Giảng:

Các ngài Phạm Thiên giải thích cho Thiện Tài biết rằng, đây không phải là người tu theo ngoại đạo đâu, mà ngài dùng lửa trí huệ đốt tất cả những tà kiến, những tham ái, cũng phải nhớ rằng tham ái đây không phải là tình dục nam nữ mà là tham ái cái pháp mình đắc được.

Kinh:

Này thiện nam tử, Phạm Thiên chúng tôi phần nhiều chấp tà kiến…

Giảng:

Người Ấn thường coi Phạm Thiên là Thượng Đế, và những vị trên cõi Phạm Thiên rất sướng, hào quang rất nhiều lại có thần thông biến hóa. Nên có nhiều vị khởi tà kiến nghĩ rằng mình là Thượng Đế thật và tưởng rằng mình sinh ra cái vũ trụ này… Đó là những tà kiến nặng.

Kinh:

Đều tự cho mình là bậc tự tại, là đấng làm ra tất cả, là tối thắng trong thế gian.

Giảng:

Đó là cái tâm kiêu mạn, vì thế gian này không phải do những vị Phạm Thiên làm ra mà do thần lực hải của chư Phật do nguyện lực hải của chư Đại Bồ Tát và do nghiệp lực hải của chúng sanh. Nếu nói do chính tâm chúng sanh mà ra thì cũng đúng, nhưng ta thiếu mất thần lực và nguyện lực. Nên các vị Phạm Thiên bị vướng vào những tà kiến ấy, nghĩ rằng mình tạo dựng ra thế gian này, vì vậy cần tu hành để diệt tà kiến.

Kinh:

Khi thấy Bà La Môn này dùng năm thứ lửa để đốt thân…

Giảng:

Năm thứ lửa là giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.

Kinh:

Lòng chúng tôi không còn mến luyến cung điện của mình, chẳng còn tham dăm các thiền định, cùng nhau đến chỗ Bà La Môn này.

Giảng:

Các ngài Phạm Thiên kể cho Thiện Tài nghe rằng trước chúng tôi bị tà kiến như vậy, tự cho mình là đấng sinh ra thế gian này, nhưng khi chúng tôi thấy ánh lửa đốt lên thì tự nhiên thấy nhàm chán tất cả những cung điện. (Đó là những y báo do thiền định mà ra. Nên biết rằng chư thiên đi đâu cũng thường mang theo cung điện cùng quyến thuộc của mình, vì cung điện đó không phải là những căn nhà ù lỳ như của nhân thế đâu. Cung điện của chư thiên chính là y báo của các ngài, mà y báo đó dính liền với thiền lực của các ngài, nên đi đâu như đi dự những pháp hội thì các ngài mang theo cung điện với mình. Nên trong kinh có tả, nhiều vị chư thiên đến chỗ đức Phật dâng cung điện để cúng dường. Nên phải hiểu rằng, pháp giới biến đổi và huyễn hiện vô chừng, khi xuống thấp thì y báo và chánh báo bị tách ra rõ rệt, nhưng càng lên cao thì hai cái đó càng dính lại gần nhau hơn, lên đến đức Phật thì y báo và chánh báo nhập lại thành một và thân tâm Phật là một với cõi). Trở lại kinh, các vị Phạm Thiên gặp được cảnh duyên bên ngoài (Thắng Nhiệt) nên khởi tâm chán cái trầm không thú tịch trong thiền định của mình mà muốn tu lên nữa. Sau đó, Thắng Nhiệt Bà La Môn vì những vị chư thiên mà thuyết pháp, nghe pháp xong ai cũng phát bồ đề tâm cả.

Kinh:

Lại có mười ngàn chư ma  trên hư không đem thiên ma ni bửu rải trên mình Bà La Môn mà bảo Thiện Tài Đồng Tử rằng: Này thiện nam tử, lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, ánh sáng của lửa chiếu khuất chúng tôi, cung điện và những đồ trang nghiêm của chúng tôi đều như đấng mực đen, làm cho chúng tôi không còn mến luyến.

Giảng:

Chư Ma cũng có sức định lớn, có thể tạo ra cung điện của họ, nhưng khi ánh lửa của Thắng Nhiệt Bà La Môn chiếu sáng thì bỗng thấy cung điện của mình đen xì như đống mực, nên không còn đắm luyến nữa, mà khởi tâm muốn tu lên để đạt đến lớp quang minh lớn vi diệu hơn…

Kinh:

Chúng tôi cùng quyến thuộc đến chỗ Bà La Môn. Đức Thánh này nói pháp cho chúng tôi, làm cho chúng tôi và vô lượng thiên tử cùng vô lượng thiên nữ đều chẳng thối chuyển nơi vô lượng bồ đề.

Giảng:

Thiên Ma cũng là chư Thiên, nhưng vì những vị này khởi tâm kiêu mạn chấp ngã, có nhiều tà ý thì trở thành thiên ma.

Kinh:

…Lại có mười ngàn Hóa Lạc Thiên Vương ở trong hư không trồi thiên nhạc cung kính cúng dường nói rằng: Này thiện nam tử, lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đôi thân, ánh sáng của lửa này chiếu đến cung điện, đồ trang nghiêm và thể nữ của chúng tôi. Làm cho chúng tôi chẳng thọ dục lạc, chẳng cầu dục lạc, thân tâm nhu nhuyễn.

Giảng:

Hóa Lạc Thiên Tử tức là chỗ cung trời Lạc Biến Hóa, các vị này chuyên môn biến hóa những vật mà các vị thích thú để hưởng cái vui của ngũ dục. Khi lửa của Thắng Nhiệt Bà La Môn ánh lên thì các vị này bỗng thấy chán tất cả dục lạc, thân tâm nhu nhuyễn hơn, muốn tu lên nữa.

Kinh:

Lại có mười ngàn Dạ Xoa Vương ỏ trên hư không cung kính cúng dường Bà La Môn này và Thiện Tài Đồng Tử mà nói rằng: Này thiện nam tử, lúc Bà La Môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, chúng tôi cùng quyến thuộc đều phát tâm từ mẫn đối với chúng sanh.

Giảng:

Dạ Xoa là một loài rất ác độc, thích bắt người để ăn thịt, vậy mà ánh sáng của ngọn lửa chiếu đến thì lập tức khởi tâm từ mẫn và muốn tu lên nữa. Còn loại A Tu La thì bỏ tâm kiêu mạn, phóng dật v.v… đại khái là như vậy. Sau khi Thiện Tài nghe xong thì vội sám hối ngay…

Kinh:

Tôi sanh lòng bất thiện đối với đức Thánh thiện tri thức, ngưỡng mong đức Thánh cho tôi sám hối. Thắng Nhiệt Bà La Môn vì Thiện Tài mà nói kệ rằng:

Nếu có chư Bồ Tát
Thuận theo thiện tri thức

Tất cả không nghi sợ An trụ tâm chẳng động, Nên biết người như vậy Tất được lợi quảng đại Ngồi dưới cây bổ đề Thành bậc vô thượng giác.

Bấy giờ Thiện Tài Đồng Tử liền leo lên núi đao tự nhảy vào dống lửa. Khi rơi xuống giữa chừng, Thiện Tài liền chứng được Bồ Tát thiện trụ tam muội. Vừa chạm ngọn lửa, Thiện Tài lại chứng được Bồ Tát tịch tịnh lạc thần thông tam muội.

Giảng:

Sau khi nghe ngài Thắng Nhiệt Bà La Môn dạy như thế rồi, Thiện Tài bèn leo lên núi đao nhảy xuống, liền chứng được tam muội thứ nhất là “Bồ Tát thiện trụ tam muội,” ở đây, kinh lại dùng chữ “thiện trụ,” tức là khi Thiện Tài rơi đến giữa hư không thì được thiện trụ tam muội. Tức là Thiện Tài giữ tâm rất khéo giữa sắc và không, có thể đi lại tự tại giữa sắc và không. Và khi thân rơi chạm ngọn lửa Thiện Tài lại chứng được “Bồ Tát tịch tịnh lạc thần thông tam muội.” Người thường nếu khởi tâm sai lệch, thì rơi đến lửa sẽ bị đốt, còn Thiện Tài không bị đau đớn gì, vì tâm của Thiện Tài đã giải thoát giữa sắc và không rồi. Đồng thời, Thiện Tài được “tịch tĩnh lạc thần thông tam muội,” tức là thấy an lạc tịch tĩnh, có nghĩa là Thiện Tài đã dứt bỏ thêm một mớ phiền não nữa, kiêu mạn, luyến ái về pháp v.v…, và có khả năng dễ dàng biến hóa.

Kinh:

Thiện Tài thưa: Bạch đức Thánh, núi đao và đống lửa này thân tôi vừa chạm đến thời được an ổn khoái lạc. Thắng Nhiệt Bà La Môn nói: Này thiện nam tử, ta chỉ được môn Bồ Tát vô tận luân giải thoát.

Giảng:

Cũng thế, vẫn là tam muội, trong tâm thức vị này vẫn xoay như cái bánh xe vô tận, chuyển từ tam muội này sang tam muội khác, vẫn là hình ảnh bánh xe.

Kinh:

Này thiện nam tử, phương Nam đây có một thành tên là Sư Tử Phấn Tân, trong thành ấy có một đồng nữ tên là Từ Hạnh. Ngươi đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo.

Giảng:

Thiện Tài đến thành gọi là “SưTử Phấn Tấn,” trong thành ấy có một vị đồng nữ tên Từ Hạnh, quí vị vẫn thây rằng, tất cả cũng vẫn là Bát Nhã và Đại Bi, vẫn đi sâu vào tàng thức sơ năng biến, vì sao, vì đến thành Sư Tử Phấn Tấn, tượng trưng cho định và huệ (sư tử tiến lui an ổn), trong thành có dồng nữ tên Từ Hạnh, tượng trưng cho Đại Bi. Và nơi đó lại hiện lên những trang nghiêm cảnh giới. Cảnh giới thì rất nhiều danh tự và nhiều sự hiển bày, nhưng bao giờ cũng vậy, muốn vào sâu trong tàng thức, chỉ có một cách là giữ tâm Bát Nhã Đại Bi vô sở cầu hạnh, càng vào sâu bao nhiêu thì cảnh giới càng trang nghiêm bấy nhiêu, từ phổ trang nghiêm đến diệu trang nghiêm. Mỗi vị thiện tri thức đều phô bày hạnh nguyện và thần lực riêng của mình.

Kinh:

Lúc đó Thiện Tài Đồng Tử đảnh lễ chân Thắng Nhiệt Bà La Môn, hữu nhiễu vô lượng vòng từ tạ mà đi. Thiện Tài đôì với thiện tri thức sanh lòng rât tôn trọng, sanh trí hiểu quảng đại thanh tịnh, thường nhớ đại thừa, chuyên cầu Phật trí…

Giảng:

Lúc nào cũng phải nhớ đến đại thừa và cầu Phật đạo, tức là lúc nào cũng nhớ tâm Bồ Đề của mình.

Kinh:

Nguyện thấy chư Phật, quán pháp cảnh giới. Trí vô ngại thường hiện tiền. Quyết định biết rõ thật tế của các pháp, thường trụ tế, tất cả tam thế những sát na tế, như hư không tế, vô nhị tế, tât cả pháp vô phân biệt tế, tất cả nghĩa vô chướng ngại tế, tất cả kiếp sô thất hoại tế, tâ’t cả Như Lai vô tế chi tế. Với tất cả Phật tâm vô sai biệt. Phá những lưới tưởng. Lìa những châ’p trước. Chẳng lấy chúng hội đạo tràng của chư Phật, cũng chẳng lấy cõi nước thanh tịnh của chư Phật. Biết các chúng sanh đều không có ngã. Biết tất cả tiếng thảy đều như vang. Biết tất cả sắc thảy đều như bóng…

Giảng:

Ở đây, ta nên để ý đến chữ “tế,” đôi khi kinh nói như nước chảy mây trôi, dồn dập như thác lũ, nên nhiều khi ta đọc kinh cảm thây chóng mặt, ngơ ngác hoang mang. Thì đây, xin đi lại từng câu một… trí vô ngại thường hiện tiền. Quyết định biết rõ thật tế của cấc pháp, thường trụ tế…, vô nhị tế, tất cả pháp vô phân biệt tế… Chữ “tế” ở đây, thì phải dẫn thí dụ mới hiểu được. Giáo lý chư Phật là một giáo lý bình đẳng bất nhị, không có tế, dụ như phàm phu chúng ta luôn phân biệt như pháp này là thiện, pháp kia là ác, giữa hai pháp thì có khoảng cách. Trong đạo Phật dạy rằng, tất cả cái đó đều “bất nhị”, khoảng cách chính là do thức tâm của ông phân biệt tưởng tượng ra thôi, vì các pháp đều là như như, không có tế. Một thí dụ khác về ý niệm thời gian, chúng ta tưởng là có cái “Sát Na,” từ sát na này đến một sát na tiếp có một khoảng cách, vì vậy nên thời gian được dệt lên bằng những sát na ấy, nhưng chính khoảng cách giữa hai sát na ấy không có, nó là như như. Ngay cả đến chư Phật cũng vậy, “vô chướng ngại tế,” giữa cái chướng ngại và không chướng ngại có một khoảng cách, nhưng thật ra chỉ do tâm tưởng của chúng sanh, mà nếu tâm đến chỗ như như thì tất cả những “tế” ấy đều được tiêu dung, và sẽ thấy rằng pháp của chư Phật là bình đẳng vô nhị. Tế nghĩa thực của nó là khoảng cách, cũng là chữ vi tế, một khoảng cách rất nhỏ, rất… vi tế. Đó là cái khoảng cách giữa hai pháp. Một thí dụ khác như chúng ta khởi tâm phân biệt giữa một người tốt và một người xâu, rồi khởi tâm Ưa thích người tốt này mà ghét người xấu, có nghĩa là tâm ta có một khoảng cách, cho rằng người này tốt, người kia xấu, nhưng chính thực không có pháp nào có cả, chĩ do tâm ta vọng tưởng mà thôi, vì tất cả đều do diệu tâm khởi lên cả. Đoạn kinh này muốn dạy chúng ta cái pháp “bất nhị,” tất cả các pháp đều không có ngã, đều như tiếng vang, đều như bóng v.v… Nên tất cả sự vật đều là ảnh tượng, nghĩ lâu thì thấy rất đúng. Tế là do cái tưởng phân biệt mà ra.



KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Việt Dịch: Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám



THU BẢY ĐẠI VỀ TÁNH NHƯ LAI TẠNG



Ông A-nan bạch Phật : "Thưa Thế-tôn, đức Như-lai thường nói về nhân duyên hòa-hợp rằng: Tất-cả các thứ biến-hóa trong thế-gian đều nhân bốn món "Đại" hòa-hợp mà phát ra. Làm sao đức Như-lai lại bác-bỏ cả hai nghĩa nhân-duyên và tự-nhiên. Nay tôi không biết nghĩa đó thế nào, xin Phật rủ lòng thương-xót chỉ-bày cho chúng-sinh nghĩa rốt-ráo của trung-đạo, không còn các đều hý-luận."


Khi bấy giờ, đức Thế-tôn bảo ông A-nan rằng : "Trước đây ông nhàm-chán các pháp tiểu-thừa Thanh-Văn, Duyên-giác, phát tâm tha-thiết cầu đạo vô-thượng Bồ-đề, nên tôi lúc nầy chỉ-bày cho ông đệ-nhất-nghĩa-đế, làm sao ông lại còn đem những nhân-duyên vọng-tưởng hý-luận thế-gian mà tự ràng-buộc mình? Ông tuy nghe được nhiều pháp, nhưng cũng như người nói tên vị thuốc, mà đến khi thuốc thật ở trước mắt, thì lại không phân-biệt được. Như-lai gọi là rất đáng thương-xót. Nay ông hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông phân-tách chỉ-bày và cũng để cho những người tu đại-thừa sau nầy thông-suốt được thật-tướng."

Ông A-nan yên-lặng kính vâng thánh-chỉ của Phật.

Phật dạy : "A-nan, như ông đã nói: Bốn món "Đại" hòa-hợp phát ra các thứ biến-hóa trong thế-gian. A-nan, nếu tính các món đại kia không phải hòa-hợp, thì không thể lẫn-lộn với các đại khác, cũng như hư-không không thể hòa-hợp được với các sắc-tướng. Nếu tính của các đại là hòa-hợp, thì cũng đồng như các thứ biến-hóa, thủy chung thành nhau, sinh diệt nối nhau, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt, như vòng lửa quay tròn chưa hề dừng nghỉ. A-nan, như nước thành giá, giá lại thành nước.


Ông hãy xét cái tính của địa-đại, to thì làm đất liền, nhỏ thì làm vi-trần, cho đến lân-hư-trần, do chẻ chất cực-vi, là sắc-tướng nhỏ tột, ra 7 phần mà thành. Nếu chẻ lân-hư-trần nữa, thì thật là tính hư-không.

A-nan, nếu cái lân-hư-trần đó, chẻ ra thành được hư-không, thì biết hư-không cũng sinh ra được sắc-tướng. Nay ông hỏi rằng do hòa-hợp mà sinh ra các tướng biến-hóa trong thế-gian, thì ông hãy xét một cái lân-hư-trần, phải dùng bao nhiêu hư-không hợp lại mới có, không thể lân-hư-trần hợp lại thành lân-hư-trần. Lại lân-hư-trần đã chẻ được thành hư-không, thì phải dùng bao nhiêu sắc-tướng hợp lại, mới thành cả hư-không. Nhưng nếu sắc-tướng hợp lại, thì hợp sắc-tướng lại, không thể thành được hư-không; còn nếu hư-không hợp lại, thì hợp hư-không lại, không thể thành được sắc-tướng; sắc-tướng còn có thể chẻ được, chứ hư-không thì làm sao mà hợp được?

Ông vốn không biết trong Như-lai-tạng, tính sắc là chân-không, tính không là chân-sắc, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, hỏa-đại không có tự-thể, gửi nơi các duyên mà phát-hiện. Ông hãy xem các nhà, chưa ăn ở trong thành, khi muốn nhóm bếp, thì tay cầm kính hiển-vi, đưa trước ánh sáng mặt trời mà lấy lửa.

A-nan, phàm gọi là hòa-hợp, thì như tôi cùng ông và 1.250 vị tỷ-khưu, hiện nay, hợp-thành một chúng; tuy chúng chỉ có một, song gạn-xét về căn-bản, thì mỗi người đều có thân, đều có danh-tự họ-hàng của mình, như ông Xá-lỵ-phất, thì thuộc dòng Bà-la-môn, ông Ưu-lâu-tần-loa, thì thuộc dòng Ca-diếp-ba, cho đến ông A-nan, thì thuộc dòng họ Cù-đàm.

A-nan, nếu lửa đó nhân hòa-hợp mà có, thi khi người kia cầm kính lấy lửa nơi ánh sáng mặt trời, lửa đó từ trong kính mà ra, do bùi-nhùi mà có hay từ mặt trời mà đến?

A-nan, nếu từ mặt trời mà đến, thì lửa ấy đã đốt được bùi-nhùi trong tay của ông, những rừng cây mà ánh sáng mặt trời đi qua, lẽ ra đều bị đốt cả. Nếu từ trong kính mà ra, thì lửa ấy đã có thể từ trong kính ra đốt cháy bùi-nhùi, làm sao cái kính lại không chảy; cho đến cả cái tay ông cầm kính còn không thấy nóng, thì làm sao kính lại chảy được. Nếu do bùi-nhùi sinh ra, thì cần gì ánh sáng mặt trời và kính tiếp-đối với nhau, rồi sau lửa mới sinh ra. Ông hãy xét cho kỹ, kính do tay cầm, mặt trời thì đi trên trời, còn bùi-nhùi thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ phương nào đi đến chỗ đó. Mặt trời và kính xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ lửa kia, không do đâu mà tự có.

Ông còn không biết trong Như-lai-tạng, tính hỏa là chân-không, tính không là chân-hỏa, bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết.

A-nan, ông nên biết rằng người đời cầm kính một chỗ, thì một chỗ có lửa sinh ra, khắp pháp-giới đều cầm kính, thì khắp pháp-giới bốc lửa. Lửa bốc khắp thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, tính nước không nhất-định, khi chảy, khi đứng không chừng. Như trong thành Thất-la-phiệt, các ông tiên Ca-tỳ-la, Chước-ca-la và các nhà đại-huyễn-thuật Bát-đầu-ma, Ha-tát-đa, vân vân... muốn cầu tinh Thái-âm để hòa với các thuốc huyễn-thuật, thì các ông ấy, trong lúc sáng trăng trong, tay cầm hạt châu Phương-chư, hứng nước trong ánh mặt trăng. Vậy, nước ấy từ trong hạt châu mà ra, do hư-không mà có hay từ mặt trăng mà đến?

A-nan, nếu từ mặt trăng mà đến, thì ở phương xa còn có thể làm cho hạt châu chảy ra nước, những rừng cây ánh sáng mặt trăng đi qua, lẽ ra đều phải phun nước; mà nếu phun nước, thì sao lại phải đợi có hạt châu Phương-như mới chảy nước được? Còn nếu không phun nước, thì rõ-ràng nước đó, không phải từ mặt trăng mà xuống. Nếu từ hạt châu mà ra, thì trong hạt châu ấy, thường phải chảy nước, sao còn phải đợi ánh sáng mặt trăng trong lúc nửa đêm? Nếu do hư-không mà sinh, thì hư-không không bờ-bến, nước cũng không giới-hạn; vậy từ cõi người đến cõi trời, lẽ ra đều phải chìm-ngập cả, làm sao lại còn có thủy, lục, không, hành? Ông hãy xét cho kỹ, mặt trăng từ trên trời đi qua, hạt châu do tay cầm, còn cái mâm hứng nước thì do người sắp đặt; vậy nước kia từ phương nào mà chảy đến đó. Mặt trăng và hạt châu xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ nưóc kia, không do đâu mà tự có.

Ông còn biết trong Như-lai-tạng, tính thủy là chân-không, tính không là chân-thủy, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. Một chỗ cầm hạt châu, thì một chỗ nước chảy ra, khắp pháp-giới cầm hạt châu, thì đầy pháp-giới nước sinh ra. Thủy-đại sinh khắp thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, phong-đại không có tự-thể, khi động, khi tĩnh không chừng. Ông thường sửa áo, vào trong đại-chúng, gấu áo Tăng-già-lê động đến người bên cạnh, thì có chút gió phảy qua mặt người kia. Gió đó lại là, do gấu áo ca-sa mà ra, do hư-không mà phát-khởi hay do mặt người kia mà sinh?

A-nan, nếu gió đó phát ra, do gấu áo ca-sa, thì ông đã mặc cả gió, lẽ ra cái áo phải bay tung ra, rời khỏi thân-thể của ông. Nay tôi thuyết-pháp, rũ áo ở trong Hội nầy, ông hãy xem cái áo tôi, gió ở chỗ nào? Không lẽ trong áo lại có chỗ chứa gió.

Nếu gió đó do hư-không sinh ra, thì khi cái áo ông không động, vì sao lại không phải gió? Và tính hư-không thường còn, thì gió lại phải thường sinh ra; khi không có gió, thì hư-không phải diệt mất. Gió diệt, thì có thể thấy được, còn hư-không diệt, thì hình-trạng thế nào? Lại nếu có sinh diệt, thì không gọi là hư-không và đã gọi là hư-không, thì làm sao lại phát ra gió được?

Nếu gió đó sinh ra do cái mặt người bị phảy, thì đã do mặt người đó sinh ra, lẽ ra phải phảy lại ông, sao tự ông sửa áo mà lại phảy ngược lại người kia?

Ông hãy xét cho kỹ: Sửa áo là do nơi ông, cái mặt thì thuộc về người kia, hư-không thì vắng-lặng, không thể lay-động, vậy gió từ phương nào giong-ruổi đến đó. Tính gió và tính hư-không cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ gió kia, không do đâu mà tự có.

Ông thật không biết trong Như-lai-tạng, tính phong là tính chân-không, tính không là chân-phong, bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. A-nan, như một mình ông hơi động cái áo, thì có chút gió phát ra; khắp pháp-giới đều phảy, thì khắp cõi nước sinh ra phong-đại. Phong-đại đầy-nhẩy thế-gian, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, hư-không không có hình, nhân sắc-tướng mà tỏ-bày ra. Như trong thành Thất-la-phiệt, chỗ cách xa sông, những người dòng Sát-lỵ, dòng Bà-la-môn, dòng Tỳ-xá, dòng Thủ-đà hay dòng Phả-la-đọa, dòng Chiên-đà-la, vân vân... khi dựng nhà mới, thì đào giếng mà lấy nước, đào đất ra một thước, thì trong đó có một thước hư-không, như vậy cho đến đào đất ra một trượng, thì trong đó lại được một trượng hư-không, hư-không nông hay sâu, tùy đào đất ra nhiều hay ít. Hư-không đó là nhân đất mà ra, nhân đào mà có hay không nhân gì mà tự sinh?

A-nan, nếu hư-không đó không nhân gì mà tự sinh, thì khi trước khi chưa đào đất, sao nơi đó lại không trống-rỗng, mà chỉ thấy đất liền, hẳn không thông-suốt. Nếu nhân đất mà ra, thì khi đất ra, phải thấy hư-không vào; nếu đất ra trước, mà không thấy hư-không vào, thì làm sao hư-không lại nhân đất mà ra. Còn nếu không ra, không vào, thì hư-không với đất vốn không khác nhau; không khác tức là đồng, thì khi đất ra, sao hư-không lại không ra. Nếu nhân đào mà ra, thì phải đào ra hư-không, chứ không đào ra đất; nếu không nhân đào mà ra, thì tự đào ra đất, làm sao lại thấy hư-không?

Ông hãy xét cho kỹ, nhận-rõ xét-chín: Đào, thì do tay người, theo phương hướng mà vận-chuyển, đất, thì từ nơi đất liền mà dời đi, còn hư-không, như vậy, thì nhân đâu mà ra. Đào là thật sự, hư-không là rỗng trống, không có tác-dụng gì với nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ hư-không không do đâu mà tự ra. Nếu cái hư-không đó, bản-tính viên-mãn cùng khắp, không có lay-động, thì nên biết hiện-tiền hư-không và bốn thứ địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là năm đại, tính thật viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tâm ông mê-muội, không ngộ được bốn đại vốn là tính Như-lai-tạng, ông hãy xét cái hư-không là ra, là vào hay không ra, không vào. Ông toàn không biết trong Như-lai-tạng, tính giác là chân-không, tính không là chân-giác, bản-nhiên thanh-tịnh, cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh, đáp-ứng với lượng hay-biết. A-nan, như một giếng trống không, thì hư-không sinh trong một giếng; hư-không thập phương, thì cũng như vậy. Không-đại cùng khắp mười phương, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện; thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, kiến-đại có giác-quan mà không phân-biệt, nhân các thứ sắc, không mà có. Như hiện nay ông ở trong rừng Kỳ-đà, sớm mai thì sáng, ban đêm thì tối, đến lúc nửa đêm, trăng tròn thì sáng, vắng trăng thì tối; những tướng sáng, tối ấy do cái thấy phân-tách. Cái thấy đó, lại là đồng một thể với các tướng sáng, tối và cả hư-không, hay không đồng một thể. Hoặc cũng đồng, cũng không phải đồng, hoặc cũng khác, cũng không phải khác?

A-nan, nếu cái thấy đó, cùng với sáng, tối và hư-không vốn là một thể, thì cái sáng, cái tối tiêu-diệt lẫn nhau, khi tối, thì không sáng, khi sáng thì không tối; nếu như cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy phải tiêu mất; nếu cùng một thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy phải diệt rồi, mà đã diệt, thì làm sao còn thấy được sáng, thấy được tối. Còn như sáng và tối khác nhau, còn cái thấy thì không sinh không diệt, thì làm sao lại thành đồng một thể được?

Nếu cái thấy đó không phải đồng một thể với cái tối và cái sáng, thì ngoài cái sáng, cái tối và hư-không ra, ông hãy phân-tách cái thấy thành hình-tướng gì; rời cái sáng, cái tối và hư-không, cái thấy đó cũng đồng như lông rùa sừng thỏ; nếu tách hẳn ba thứ sáng, tối và hư-không, thì do đâu mà thành-lập được cái thấy?

Sáng và tối trái-ngược lẫn nhau, làm sao hoặc cũng là đồng; rời ba thứ sáng, tối và hư-không, cái thấy vốn không còn gì, làm sao hoặc cũng là khác. Bên hư-không, bên cái thấy, vốn không có bờ-cõi, làm sao lại không phải đồng; thấy cái tối, thấy cái sáng, tính không dời-đổi, làm sao lại không phải khác?

Ông hãy xét cho kỹ, suy-xét chín-chắn, nhận cho cùng, xét cho rõ, sáng là do mặt trời, tối là do đêm không trăng, thông-suốt thuộc về hư-không, ngăn-bịt thuộc về đất liền còn cái thấy, như vậy nhân đâu mà ra. Cái thấy có giác-quan, hư-không thì không hay-biết, không phải hòa, không phải hợp; không lẽ cái thấy, không do đâu mà tự phát ra. Còn như tất-cả các sự thấy, nghe, hay, biết, bản-tính viên-mãn cùng khắp, vốn không lay-động, thì nên biết kiến-đại cùng với hư-không không bờ-bến, không lay-động và bốn món đại : địa, thủy, hỏa, phong, có lay-động, đều gọi là sáu đại, tính thật là viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tính ông chìm-đắm, không ngộ được những sự thấy, nghe, hay, biết của ông vốn là tính Như-lai-tạng; ông hãy xét những thấy, nghe, hay, biết, đó là sinh hay diệt, là đồng hay là khác, là không phải sinh, không phải diệt, hay không phải đồng, không phải khác. Ông chưa từng biết trong Như-lai-tạng, cái thấy nơi tâm-tính là cái tính-minh của bản-giác; cái tính-minh của bản-giác biểu-lộ ra nơi cái thấy, bản-nhiên thanh-tịnh cùng khắp pháp-giới, theo tâm chúng-sinh đáp-ứng với lượng hay-biết.

Như nơi nhãn-căn, cái thấy cùng khắp pháp-giới, thì cái biết nghe, biết ngửi, biết nếm, biết xúc, biết các pháp, công-năng nhiệm-mầu sáng-suốt cũng cùng khắp pháp-giới, đầy-đủ thập phương hư-không, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên và tính tự-nhiên, đều là những phân-biệt so-đo của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật.


"A-nan, thức-đại không có nguồn-gốc, nhân nơi sáu thứ căn, trần giả-dối phát ra. Nay ông hãy xem khắp thánh-chúng trong Hội này; ông dùng con mắt lướt qua, mắt ông trông khắp, chỉ như bóng trong gương, không phân-tách riêng-biệt. Cái thức ông, trong ấy theo thứ lớp chỉ ra đây là ông Văn-thù, đây là ông Phú-lâu-na, đây là ông Mục-kiền-liên, đây là ông Tu-bồ-đề, đây là ông Xá-lỵ-phất. Cái thức nhận-biết như thế sinh ra do cái thấy, do các tướng, do hư-không, hay không nhân gì bỗng-nhiên sinh ra?

A-nan, nếu cái thức của ông sinh ra do cái thấy; mà như không có các tướng sáng, tối và sắc, không, thì không còn cái thấy của ông; cái thấy còn không có, do đâu mà phát ra được cái thức? Nếu cái thức của ông sinh ra do các tướng, chứ không do cái thấy, thì đã không thấy sáng, cũng không thấy tối; sáng và tối đã không thấy, thì cũng không có sắc, không; các tướng kia còn không có, thì cái thức do đâu mà phát ra? Nếu cái thức sinh ra do hư-không, ngoài các tướng và ngoài cái thấy, thì ngoài cái thấy không có cảm-giác, tự-nhiên không thể biết được cái sáng, cái tối, các sắc-tướng và hư-không; ngoài các tướng, thì không có các duyên của tiền-trần, sự thấy, nghe, hay, biết, không do đâu mà thành-lập được. Ngoài hai thứ căn trần ra, nếu là không, thì cũng đồng như không có, còn nếu là có, thì cũng không đồng như các vật, dầu cho phát ra cái thức của ông, thì đem ra mà phân-biệt cái gì?

Nếu cái thức không nhân gì bỗng-nhiên mà phát ra, làm sao lại không phân-biệt mặt trăng sáng, trong lúc mặt trời đứng bóng?

Ông hãy xét kỹ, nhận-xét chín-chắn, cái thấy gá vào mắt của ông, các tướng thì trả về cho tiền-cảnh, cái gì có thể hình-trạng được, thì mới thành có, cái gì không có tướng, thì thành ra không; còn cái thức như vậy, nhân đâu mà ra?

Cái thức thì lay-động, cái thấy thì đứng-lặng, không phải hòa, không phải hợp, cho đến các sự nghe, ngửi, hay, biết, cũng đều như vậy. Không lẽ cái thức nhận-biết không do đâu mà phát ra.

Nếu cái thức đó không do đâu, thì nên biết cái thức-đại nhận-biết và cái căn-đại thấy, nghe, hay, biết, vẳng-lặng cùng khắp, bản-tính không nương vào đâu mà có; hai món đại ấy cùng với hư-không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tính thật là viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tâm ông nông-nổi, không ngộ được cái nhận-biết các điều thấy-nghe, vốn là tính Như-lai-tạng. Ông hãy xét sáu cái thức là đồng hay là khác, là không hay là có, là không phải đồng, không phải khác, hay không phải không, không phải có. Ông vốn không biết trong Như-lai-tạng, cái thức nơi tâm-tính là cái tác-dụng nhận-biết của tính-minh bản-giác, và tính-minh bản-giác thật là chân-tính của thức-đại; bản-giác diệu-minh yên-lặng cùng khắp pháp-giới, ẩn-hiện thập-phương hư-không, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên, và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật".



GIÁC NGỘ TÁNH NHƯ LAI TẠNG


Đem thâm-tâm phụng-sự cõi nước như vi-trần
Làm được như vậy mới gọi là báo ơn Phật


Khi bấy giờ, ông A-nan và cả đại-chúng nhờ Phật nhiệm-mầu chỉ-bày, thân tâm vắng-lặng, không điều ngăn-ngại. Cả trong đại-chúng đó, mỗi người tự biết tâm-tính cùng khắp mười phương, trông mười phương hư-không như xem cái vật, cái lá nắm trong bàn tay; tất-cả những vật có ra trong thế-gian, đều tức là tâm-tính Bồ-đề nhiệm-mầu sáng-suốt. Tâm-tính viên-mãn cùng khắp, trùm-chứa mười phương, trở lại xem cái thân cha mẹ sinh ra cũng như trong mười phương hư-không kia, thổi một vi-trần, dầu còn, dầu mất, chẳng khác biển lớn yên-lặng, nổi lên một bọt nước, dầu sinh hay diệt, cũng không dính-dáng gì. Rõ vậy tự biết-nhận được tâm-tính bản-lai thường-trụ không diệt, lễ Phật chấp tay, được cái chưa từng có, ở trước đức Như-lai, nói bài kệ tán-thán Phật: 


"Đức Thế-tôn bất-động,
Tổng-trì tính diệu-trạm,
Nói pháp Thủ-lăng-nghiêm,
Thật hy-hữu trong đời,
Khiến chúng tôi tiêu-diệt
Vọng-tưởng trong ức-kiếp,
Không trải qua tăng-kỳ
Mà chứng được pháp-thân.
Nguyện nay đã chứng-quả
Thành được vị Bảo-vương
Lại hóa-độ như thế
Cho cả hằng-sa chúng.
Đem thâm-tâm phụng-sự
Cõi nước như vi-trần,
Làm được như vậy mới
Gọi là báo ơn Phật.
Cúi xin đức Thế-tôn
Chứng-minh cho chúng tôi,
Thệ-nguyện quyết vào trước
Trong ngũ-trược ác-thế;
Nếu còn một chúng-sinh
Chưa thành được Phật-đạo,
Quyết không ở nơi đó
Chịu chứng-quả Niết-Bàn.
Kính thưa đức Đại-Hùng,
Đại-lực, Đại-Từ-Bi,
Trông-mong lại xét-trừ
Những điều lầm nhỏ-nhiệm,
Cho chúng tôi sớm lên
Đến bậc Vô-Thượng-Giác,
Nơi thập phương thế-giới
Ngồi đạo-trường thuyết-pháp.
Tính hư-không bất-diệt
Dầu có thể tiêu-mất,


Tâm-nguyện chắc-chắn nầy,
Quyết không hề lay-động."


( Diệu trạm tổng trì bất động tôn,

Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu.

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng.

Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương

Hoàn độ như thị Hằng sa chúng.

Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.

Như nhất chúng sanh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ Nê hoàn.

Ðại hùng đại lực đại từ bi,

Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc.

Linh ngã tảo đăng Vô Thượng Giác,

Ư thập phương giới tọa đạo tràng,

 

Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong,

Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.)



Nam-mô thường-trụ thập-phương Phật.

Nam-mô thường-trụ thập-phương Pháp.

Nam-mô thường-trụ thập-phương Tăng.

Nam-mô Thích-Ca Mâu-Ni Phật.

Nam-mô Phật-đảnh Thủ-Lăng-Nghiêm.

Nam-mô Quán-Thế-Âm Bồ-tát.

Nam-mô Kim-Cang-Tạng Bồ-tát.

Comments

Popular posts from this blog