Shurangama Mantra with Verses and Commentary
by Venerable Tripitaka Master Hsuan Hua
199.
TAM BÁC XÁ
三般叉
SAMBHA
Chân chánh mãn túc Bồ Tát hạnh
Ngũ nhãn Lục thông câu hiện tiền
Thắng diệu Giải thoát viên Phước huệ
Vô thượng Đẳng giác độ Quần hiền.
真正滿足菩薩行
五眼六通俱現前
勝妙解脫圓福慧
無上等覺度群賢
In true, right
fulfillment of the Bodhisattva practice,
The Five Eyes and Six
Penetrations completely manifest.
With the sublimely
wondrous liberation and perfect blessings and wisdom
Of supreme Equal
Enlightenment, one can save the flocks of worthies.
Phật
Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Tiết
II: Căn Bản Giải Thoát Của Ðạo Phật
Sự vui giữa đời, dù cho người
từ bé đến già sống trong cảnh giàu sang hưởng mọi thú vật chất, cũng chỉ là sự
vui tương đối. Nhưng ở thế gian hỏi có bao nhiêu người được hưởng cảnh no ấm
giàu sang? Và dù gia tư phong phú, mấy ai được vẹn toàn các phương diện: giàu
có, sang trọng, xinh đẹp, khỏe mạnh, sống lâu, thông minh; trong gia đình thì
vợ đẹp con ngoan, dâu hiền, cháu thảo, ngoài xã hội lại được mọi người mến yêu
kính nể, danh thơm bay khắp, uy thế lẫy lừng? Nhìn kỹ lại trong đời người nghèo
thiếu đã chiếm hết bảy tám phần mười, dù cho bậc đế vương cũng ở trong vòng
Bát-khổ.
Trên đây là đại khái nói sự vui
về vật chất. Có người không cho vật chất đầy đủ là vui, mà sống trong cảnh
thanh bần, không làm điều gì trái với lương tâm, nơi lòng tự nhiên có sự vui.
Theo bậc hiền triết trong Nho giáo thì: “Một đai cơm, một bầu nước, co cánh tay
gối đầu, trong ấy có sự vui. Còn giàu cùng sang, đối với ta như mây nổi”. (Nhất
đơn tự, nhất biều ẩm, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc tại kỳ trung hĩ. Phú thả quý
ư ngã như phù vân). Và quan niệm: “Gành đá Khương-công đôi khóm trúc. Áo xuân
Nghiêm-tử một vai cày”, đều thể hiện cái vui thanh đạm ấy. Nhưng đây có lẽ là
một đối tượng so sánh giữa cái giàu ô trược nhiều lo lắng, không bằng cái nghèo
trong sạch tâm thanh thản mà thôi. Thật ra, nếu phần vật chất quá thiếu thốn,
van nợ tràn nước mắt, chạy ăn toát mồ hôi, thì dù người lương thiện trong sạch
đến đâu cũng vẫn thấy khổ, bởi con người chưa thoát khỏi những quan hệ về vật
chất. Vậy thì thuyết an bần lạc đạo theo nhà hiền triết thế gian, chưa đi đến
chỗ an vui giải thoát cứu cánh.
Có người thấy tình đời như nước
chảy, việc đời như mây bay, cảnh bụi hồng đều ngắn ngủi, phù hư, nên vào rừng
thẳm lên non cao, học phép trường sanh bất lão. Nhưng dù có kéo dài mạng sống
đến ngàn muôn năm, kết cuộc cũng có ngày chung tận, vì tất cả pháp hữu vi đều
biến hoại. Sự thoát hóa nầy bên đạo Tiên gọi là thi-giải. Hoặc có kẻ đắc
Tứ-thiền, hay phá hoại sắc ấm chứng được tứ-không, khi sức định đã mãn, cũng
phải bị đọa vào nẻo luân-hồi. Tại sao thế? Bởi theo lời Đức Phật, tất cả lối tu
của ngoại-đạo đều không thoát ngoài vòng chấp ngã, có khác nhau chỉ thô hoặc tế
mà thôi. Thế thì các pháp tu của ngoại giáo cũng chưa phải là đường lối giải
thoát cứu cánh.
Ðể tìm sự an vui chân thật, đi
đến tận chân trời giải thoát, Phật-giáo quan niệm rằng khi còn cái ta tất còn
mối khổ, như khi một tấm bia đã dựng lên thì bao nhiêu mũi tên đều tập trung
vào. Cho nên, khác với các ngoại phái còn bám víu bản ngã, Phật-giáo chủ trương
phá cái ta, phá mối chấp vật sở hữu của ta; và không những phá Nhơn-ngã, còn
phá luôn cả Pháp-ngã. Có người kinh nghi cho rằng: Nếu buông hết bản ngã, ta sẽ
đi về đâu? Ta sẽ như một khoảng không gian không còn tri giác nữa chăng? Xin
đáp: nếu buông bỏ huyễn ngã, ta sẽ được cái chân ngã. Chân ngã đây cũng gọi là
chân tánh hay Phật tánh. Chân tánh nầy trùm khắp cả mười phương hư không
thế-giới, mình tức là vật, vật tức là mình. Chừng ấy ta sẽ có một tri giác rất
mầu nhiệm, biết suốt ba đời, thấu rõ vạn hữu, gọi là linh-tri. Cho nên khi ta
bỏ được cái chấp nhỏ hẹp của tiểu ngã, tất sẽ trở về chân thể bao la của đại
ngã, đừng nghĩ rằng buông cái vọng ngã, ta sẽ lạc vào cảnh mờ mịt không không.
Ðể mô tả sự quy chân nầy, cổ-đức đã có câu: “Non cùng nước tận ngờ không lối.
Liễu biết hoa tươi lại một thôn!” Vậy yếu điểm giải thoát của đạo Phật, có thể
nói ước lược theo nhà Thiền là: bỏ tất cả để được tất cả.
Tóm lại, nếu quả đời là tuyệt
đối an vui, thì đạo không thành vấn đề. Tất cả sự tranh đua của đời và xu hướng
của đạo đều đi về một tiêu chuẩn: tránh khổ tìm vui. Nhưng trên đường lối nầy
có những điểm cạn sâu, thô tế, và cứu cánh không cứu cánh khác nhau. Liên-Trì
đại-sư một cao tăng đời Minh bên Trung-Hoa, đã giản biệt sự hơn kém ấy qua
những điểm như sau: “Sự vui đam mê sắc dục, danh vọng, tiền của, bạc bài, rượu
thịt không bằng cái vui thanh nhã của cầm, kỳ, thi, họa, ngoạn thủy du sơn. Sự
vui ngao du sơn thủy cùng thi, họa, cầm, kỳ, lại không bằng mối vui đọc kinh
sách thánh-hiền. Sự vui đọc kinh sách thánh-hiền còn kém thua niềm vui tịnh
tâm”. Qua bốn lớp lạc thú ấy, ta thấy duy tịnh được tâm mới tìm ra nguồn an vui
mầu nhiệm. Ðể phân tích rõ hơn, tịnh tâm tức là định tâm; nhưng định tâm của
chúng-sanh trong ba cõi còn có đối đãi, chưa thoát vòng ngã chấp, không bằng
định tâm của bậc đã siêu thoát tam giới. Ý chỉ cứu cánh về tịnh tâm của
Liên-Trì đại-sư nói, thuộc về nghĩa sau nầy. Khi đã dứt hết sự
chấp trước, hành giả sẽ được thần thông, trí tuệ, hùng lực, biện tài, rồi mặc
sức cỡi thuyền bi nguyện độ khắp quần sanh.
Ðó là nguồn an vui và giải
thoát chân thật cứu cánh của đạo Phật.
Comments
Post a Comment