Shurangama Mantra with Verses and Commentary
by Venerable Tripitaka Master Hsuan Hua
281. BA RỊ BẠT RA GIẢ CA
波唎跋囉者迦
PARIBRĀJAKA
Độ
vô cực hạn bỉ ngạn đăng
Tam
đại thần tướng lãnh thiên binh
Chư
sự cứu cánh thâm Bát Nhã
Tánh
thanh tịnh nhãn bất động trung.
度無極限彼岸登
三大神將領天兵
諸事究竟深般若
性清淨眼不動中
Tụng câu chú nầy thì tất cả việc làm điều được CỨU CÁNH VIÊN MÃN.
Bồ Đề Đạt Ma
Ngộ Tánh Luận
Dịch và Phụ Chú: Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
XXVII
Chúng sanh dữ vô minh diệc như tả chưởng dữ hữu chưởng, cánh vô biệt dã. Mê thời tại thử ngạn, ngộ thời tại bỉ ngạn. Nhược tri tâm không bất kiến tướng, tắc ly mê ngộ. Ký ly mê ngộ diệc vô bỉ ngạn. Như Lai bất tại thử ngạn diệc bất tại bỉ ngạn, bất tại trung lưu. Trung lưu giả Tiểu thừa nhơn dã. Thử ngạn giả phàm phu dã. Bỉ ngạn giả Bồ đề dã.
XXVII.- NHƯ LAI VÔ TRỤ
- Khi mê gọi là ở tại thử ngạn.
- Lúc ngộ gọi là ở tại bỉ ngạn.
- Nếu biết tâm không, chẳng còn thấy tướng thì lìa rời cả mê và ngộ.
- Đã rời cả mê và ngộ nên cũng không bỉ ngạn. Đức Như Lai chẳng ở thử ngạn bỉ ngạn cũng chẳng ở trung lưu.
- Trung lưu là nói Nhị thừa. Thử ngạn là nói phàm phu. Bỉ ngạn là nói là nói Bồ đề.
PHỤ CHÚ.-
Thử ngạn bỉ ngạn và trung lưu đều là tướng đối đãi.
Vì có thử ngạn phàm phu nên nói là Bồ đề bỉ ngạn.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nhơn vì vọng mà nói chơn. Cả vọng lẫn chơn đều là vọng cả hai”.
Vì rời hẳn cả hai thứ vọng: Vọng và chơn, nên gọi là Phật, là Như Lai.
Do đây nên biết rằng: Chư Phật rốt ráo vô trụ, không trụ nơi vọng, thử ngạn và trung lưu, không trụ nơi chơn bỉ ngạn vậy.
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH
Phẩm Nhập Pháp Giới
Thứ ba mươi chín
Hán Dịch: Ðại Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Việt Dịch: Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
Diễn Giảng
PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
Ngày 18 tháng 3 năm 1990
Kính thưa Đại Đức trụ trì,
cùng chư vị Đạo Hữu…
Vừa rồi, quí vị vừa tụng xong thời kinh, có nói đến chữ “trí vi tế.” Nhân đây, tôi cũng xin nhắc qua, trong tất cả mức gọi là vô trước vô phược giải thoát hồi hướng, cũng có nhắc tới trí vi tế. Mà chúng ta cũng cần hiểu rằng, tất cả sự tu hành là chỉ cốt đi đến bình diện vi tế đó mà thôi. Tâm chúng ta rất thô kệch, và năm căn như mắt, mũi, v.v… cũng rất thô kệch, nên ta cần mài cái tâm đến chỗ vi tế và nhu nhuyễn, để không chấp chước, có thể nhập vào bình diện sâu hơn, đồng thời, được cái mắt vi tế, hoặc năm căn vi tế. Tu hành chỉ là vậy, nên càng lên cao, mắt của mình càng thênh thang hơn, chúng ta sẽ được thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và sau cùng là Phật nhãn. Nên nếu quí vị có thì giờ, thì nên đọc kỹ lại phẩm này. Mà ta cũng cần hiểu rằng, trí vi tế cũng là trí rộng lớn, hay trí như biển, vì tâm thức con người cần chuyển từ cực độ này sang cực độ kia, còn chúng ta cứ đứng ở giữa, nhìn thây lắt lay được một chút khúc giữa. Khi nào chúng ta đi sâu được vào cái vi tế cực nhỏ, thì đồng thời chúng ta cũng nhập được vào cực lớn, vì vậy, lúc đó ta có thể nhìn thấy vật rất nhỏ, cũng đồng thời nhìn thấy vật rất lớn.
Bây giờ, xin trở lại phẩm nhập pháp giới…
Trong lần trước, chúng ta đã đến vị thiện tri thức thứ 4, hôm nay, chúng ta lại dở lại cuốn tiểu thuyết rất kỳ diệu và khó hiểu này để theo dõi những diễn biến sau…
Nhưng trước khi đi vào kinh, tôi muốn nhắc mấy điểm để quí vị dễ hiểu những đoạn đó. Chúng ta đọc kinh, thường hay gặp phải danh từ ‘Trang nghiêm,” như Thiện Tài đến vị thiện tri thức thứ 5 thì trong kinh nói đến chữ “vô ngại giải thoát trang nghiêm,” đến ngài thứ 6 là ngài Hải Tràng thì thấy có chữ “phổ trang nghiêm,” rồi mấy vị sau cũng thấy nói đến “phổ trang nghiêm,” rồi sau cùng đến ngài Di Lặc thì gọi là “diệu trang nghiêm.” Vậy chữ trang nghiêm, phổ trang nghiêm và diệu trang nghiêm khác nhau thế nào? Nó là cái gì??? Trong nhà Phật, thường dùng chữ trang nghiêm để chỉ cho tàng thức thứ tám, đã chuyển.thành Bạch Tịnh Thức, rồi đến cảnh giới hiện ra trong đó, tức là pháp giới. Khi nào nói về các cảnh giới nơi thọ ấm, tưởng ấm… kinh không bao giờ dùng chữ trang nghiêm, nhưng khi lọt vào tàng thức lặn sâu vào trong đó, thì bây giờ mới dùng chữ trang nghiêm. Trước hết là trang nghiêm thôi, rồi đến phổ trang nghiêm, tức là trang nghiêm tất cả mọi nơi, rồi đến chữ diệu trang nghiêm, nghĩa là tất cả mọi nơi, đều là những cảnh giới chập chùng kỳ diệu, mà nếu càng ngày hành giả càng đi sâu vào tàng thức, thì tàng thức ngày càng nở ra bao trùm pháp giới. Vì vậy, gọi là diệu trang nghiêm.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm thứ hai mươi bảy, gọi là “Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự.” Phẩm này có hai nghĩa, một nghĩa thực, và một nghĩa tượng trưng. Nghĩa tượng trưng là diệu trang nghiêm chỉ cho tàng thức đó. Còn nghĩa ngoài đời là ở thời đó, rất xa xưa, có một vị vua tên là Diệu Trang Nghiêm, có hai người con tên Tịnh Nhãn, và Tịnh Tạng, ông vua cha lại theo ngoại đạo. Vì sao gọi là ngoại đạo? Vì ông vua này, tu hành vào được tàng thức rồi thì dừng ở đó, không đi sâu thêm nữa. Nói cách khác, nhà vua vào đến tàng thức rồi, nhưng không chịu thanh tịnh hóa không hải đó, để diệt những phần vọng và chuyển thành Bạch Tịnh Thức hay Vô Cấu Thức. Vì vậy, không đạt được đạo quả, chỉ hưởng sự trầm không thú tịch thôi, nên tuy tu cao như vậy, nhưng nhà Phật vẫn gọi là ngoại đạo. Còn các vị Thanh Văn vào được đó mà dừng chân lại, hưởng cái Niết Bàn cho chính mình thôi thì vị đó gọi là tà kiến. Và chư Phật luôn khuyến cáo phải đi lặn sâu vào không hải, gột tất cả phần vọng, chuyển tàng thức thành Như Lai Tạng xuất triền, tức là Diệu Tâm, cũng là Bạch Tịnh Thức. Nếu còn trộn lẫn với vọng thì Tàng thức gọi là “Như Lai Tạng tại triền” hay là “tàng thức sơ năng biến”… Thì vị vua Diệu Trang Nghiêm này đã tu hành cao rồi, nhưng khi mấp mé không hải thì không chịu đi sâu hơn nữa, không mong cầu tiến đến Phật quả, chỉ ngồi lỳ ở đó thôi để hưởng thiền lạc. Nhưng vua có túc duyên rất nhiều với Phật pháp, vì vậy hai người con mới thọ sanh vào nhà ông, và hai vị đều là Bồ Tát cả, tức là Tịnh Tạng, và Tịnh Nhãn. Hai vị này muốn làm cho cha phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, khởi đại bi đi vào Phật quả. số là hai người con này, một người đã đắc Pháp Hoa tam muội, một người đắc Ly Chư ÁcThú tam muội. Hai vị bèn dùng thần thông hiện đủ thứ thần biến như bay lên hư không, hiện thân lớn như núi, rồi hiện thân nhỏ như hạt cát, hoặc trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, đi qua núi đá như đi trên hư không v.v… Vua cha thấy vậy lấy làm lạ hỏi rằng: Sao cha không thấy ngoại đạo có những phép như thế, các con học ở đâu vậy, và thầy các con là ai? (Nên ghi rằng đối với một vị tu cao như thế, mà muốn độ cũng phải dùng thần thông để nhiếp phục cha mình). Hai người con đáp con học ở vị Phật (tên là gì tôi cũng quên mất). Vua cha mới hớn hở đi đến, nghe Phật thuyết pháp, sau bỏ ngôi vua truyền lại cho em rồi xuất gia, về sau được Phật thọ ký.
Nói như vậy để quí vị hiểu rằng, khi vào đến tàng thức thì gọi là bắt đầu đi vào cảnh giới trang nghiêm. Nên trong kinh, thường dùng những chữ rất ẩn mật nhưng rất xác đáng, như ngài đầu tiên gọi là trang nghiêm, sau đó là phổ trang nghiêm, cuối cùng là diệu trang nghiêm. Đó là điểm thứ nhát, còn điểm thứ hai là Thiện Tài khi mới đi tìm cầu thiện tri thức, câu hỏi đặt ra là: ngài đã biết biến hóa chưa? Và tại sao không bị ma chướng?
Bây giờ nói đến chuyện biến hóa trước. Khi ngài mới gặp ngài Đức Vân, vị thiện tri thức đầu tiên, lúc đó tâm thức của Thiện Tài đã vượt qua tứ thiền rồi, mới chớm đi vào không hải. Mà qua tứ thiền là đã biết một ít biến hóa, nhưng không biến hóa được nhiều. Còn sở dĩ ngài không bị “ma chướng” là vì khi một hành giả tu thiền, lúc vượt thọ ấm và tưởng ấm, thường bị ma chướng nặng nề về tình dục nhưng tới hành ấm và thức ấm thì không còn bị thiên ma não hại nữa. Song ở đây, lại bị 2 chướng nặng nhất là kiêu mạn và luyến ái pháp, vì khi đắc được quả này, hành giả dễ luyến ái nó nên bám chặt vào mà không tu lên được. Nên trong kinh, sau đây có rất nhiều vị thiện tri thức khuyên nói về điều này, vì với sức định mạnh như vậy mà khởi kiêu mạn thì sẽ trở thành Thiên Ma. Sở dĩ Thiện Tài không khởi ma chướng vì kinh đã nói trước, ngài là người phúc đức rất dày, thân, ngữ, ý không có lỗi, tâm thanh tịnh như hư không, hồi hướng bồ đề không chướng ngại. Còn ma chướng ái luyến pháp, trong kinh cũng có cảnh giác nhưng ngài lại không bị.
Đạo Phật là luôn luôn phải “yết đế,” đắc được một pháp rồi lại phải xả ngay, vì nếu không, hành giả không thể đi lên được. Như nếu đắc sơ thiền mà không xả thì không thể lên được nhị thiền, và cứ thế… Có một điều cần nhớ là càng lên cao thì càng phải cần sức gia trì của chư Phật bấy nhiêu. Ngay cả Bồ Tát ở bực Đẳng Giác, chỉ còn một phẩm vô minh vi tế cuối cùng cần gột thôi, mà không gần Phật để được sức gia trì thì cũng không thể thành Phật được. Vì vậy, khi đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm ta sẽ thấy rằng người tu thiền rất cam go, phải lập đàn pháp, xong tụng chú Thủ Lăng Nghiêm một ngày ba thời, mỗi thời tụng 108 biến, để làm gì? Chỉ để cầu chư Phật vân tập đến đàn tràng và tỏa sức gia trì. Nên trên con đường thiền quán, không tụng chú thì lạc vào ma chướng như chơi, vì vậy, ngài Di Già, vị thiện tri thức thứ tư dạy Thiện Tài tụng chú.
Bốn vị thiện tri thức đầu là ngài Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ và Di Già chỉ giảng dạy cho Thiện Tài bằng lời nói, kể lại cho Thiện Tài nghe mức độ chứng đắc của mình, mà chưa đưa Thiện Tài vào tam muội. Càng về sau, Thiện Tài càng thấy hiển bày cảnh giới trang nghiêm của tàng thức sơ năng biến, và các vị thiện tri thức cho Thiện Tài nhìn ngay vào cảnh giới vi diệu nên các ngài không cần giảng giải nữa. Cũng như khi đức Phật phóng quang cho pháp hội trông thấy các cõi thì ngài không cần dùng ngôn từ thuyết pháp nữa, và cả pháp hội đều nhìn rõ tất cả đều là duy tâm sở hiện… Nên từ vị thứ tư trở đi là kết thúc sự giảng nói bằng lời, vì những pháp môn chính đã dạy rồi, bây giờ chỉ hiện bày rõ rệt cho Thiện Tài nhìn mà thôi. Đến ngài thứ 5 là ngài Giải Thoát Trưởng Giả thì ngài cho Thiện Tài nhìn thấy cảnh giới ngay, nên không dạy Thiện Tài gì nữa cả. Ngài Giải Thoát này sẽ nhập pháp giới, để cho Thiện Tài trông thấy. Ta cũng nên nhớ rằng sự nhập pháp giới có nhiều mức độ viên dung của nó. Đây, xin quí vị theo dõi vị thiện tri thức thứ năm.
Hỏi: Có phải ngài Di Già tu theo văn đà la ni không?
Đáp: Trong đạo Phật có rất nhiều thứ đà la ni, như đà la ni quang minh biết tất cả những ngữ ngôn, cũng gọi là nhất thiết ngữ ngôn đà la ni. Còn văn trì đà la ni thì không phải là một pháp môn, vì khi nào tâm thức của một hành giả mở ra thì tự nhiên có văn trì đà la ni. Sự nở ra tự nhiên như vậy gọi là diệu đức.
Còn ở đây, ngài chỉ nói rằng ta tu diệu âm và dạy cho Thiện Tài như thế.
Từ vị thiện tri thức thứ 5 thì các ngài rất ít giảng, mà gia trì cho Thiện Tài nhìn thấy ngay.
6.- HẢI TRÀNG TỲ KHEO
Thiện Tài Ðồng Tử nhất tâm chánh niệm lời dạy của Giải Thoát Trưởng giả, quán sát lời dạy của Trưởng giả. Ghi nhớ môn bất tư nghì Bồ Tát Giải Thoát của Trưởng giả. Tư duy bất tư nghì Bồ Tát trí quang minh của Trưởng giả. Thâm nhập bất tư nghì pháp giới môn của Trưởng giả. Xu hướng bất tư nghì Bồ Tát phổ nhập môn của Trưởng giả. Thấy rõ bất tư nghì Như Lai thần biến của Trưởng giả. Hiểu rõ bất tư nghì phổ nhập Phật độ của Trưởng giả. Phân biệt bất tư nghì Phật lực trang nghiêm của Trưởng giả. Suy gẫm bất tư nghì Bồ Tát tam muội giải thoát cảnh giới phần vị của Trưởng giả. Rõ thấu bất tư nghì thế giới sai biệt cứu cánh vô ngại của Trưởng giả. Tu hành bất tư nghì Bồ Tát kiên cố thâm tâm của Trưởng giả. Phát khởi bất tư nghì Bồ Tát đại nguyện nghiệp của Trưởng giả.
Thiện Tài đồng tử đi lần qua phương Nam đến bờ Diêm Phù Ðề, nước Ma Lợi, tìm HẢI TRÀNG TỲ KHEO. Bèn thấy Hải Tràng Tỳ Kheo ngồi kiết già ở bên chỗ đi kinh hành, đang nhập tam muội, bặt hơi thở, lìa tư giác, thân tâm bất động.
Từ dưới chân của Tỳ Kheo ấy hiện ra vô số muôn ngàn ức Trưởng giả, Cư Sĩ, Bà La Môn. Ðại chúng này đều dùng nhiều đồ trang nghiêm để nghiêm sức thân mình. Tất cả đều đội bửu quan, đeo minh châu, qua khắp tất cả thế giới mười phương mưa tất cả châu bửu, tất cả chuỗi ngọc, tất cả y phục, tất cả đồ uống ăn thượng vị đúng pháp, tất cả hoa, tất cả tràng hoa, tất cả hương, tất cả hương thoa, tất cả đồ tư sanh theo sở thích. Ở tất cả chỗ cứu nhiếp những chúng sanh nghèo cùng, an ủi những chúng sanh khổ não, đều làm cho hoan hỷ. Tâm ý thanh tịnh. Thành tựu đạo Vô thượng Bồ đề.
Từ hai gối của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện trăm ngàn ức Sát Ðế Lợi, Bà La Môn. Ðại chúng này đều thông huệ, nhiều sắc tướng, nhiều hình mạo, nhiều y phục thượng diệu trang nghiêm, cùng khắp tất cả thế giới mười phương, dùng ái ngữ và đồng sự nhiếp các chúng sanh.
Những là làm cho người nghèo được đầy đủ, người bệnh được lành, người nguy được an, người kinh sợ được y tựa, người ưu sầu được sung sướng. Lại dùng phương tiện để khuyến dụ họ, làm cho họ đều bỏ ác làm lành.
Từ khoảng eo lưng của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô lượng vô số tiên nhân : hoặc mặc y phục bằng cỏ, bằng vỏ cây. Ðều cầm bình rửa, oai nghi tịch tịnh, du hành thế giới mười phương. Ở trên hư không, dùng diệu âm ca ngợi Như Lai. Diễn thuyết các pháp : hoặc diễn thuyết đạo thanh tịnh phạm hạnh, làm cho họ tu tập điều phục các căn tánh. Hoặc nói các pháp đều không tự tánh, cho họ quán sát phát sanh trí huệ. Hoặc nói pháp tắc ngôn luận thế gian. Hoặc lại khai thị nhứt thiết trí phương tiện xuất yếu, làm cho họ theo thứ đệ đều tu tập hạnh nghiệp của riêng mình.
Từ hai bên hông của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện bất tư nghì Long, bất tư nghì Long nữ, thị hiện bất tư nghì thần biến của chư Long. Những là mưa những mây hương thơm, mây hoa, mây tràng hoa, mây bửu cái, mây bửu phan, mây diệu bửu trang nghiêm, mây như ý bửu, mây bửu anh lạc, mây bửu tọa, mây bửu cung điện, mây bửu liên hoa, mây bửu quan, mây thiên thân, mây thể nữ, tất cả đều bất tư nghì khắp hư không để trang nghiêm. Sung mãn chư Phật đạo tràng tất cả thế giới mười phương để cúng dường, làm cho các chúng sanh đều hoan hỷ.
Từ tướng chữ "vạn" trước ngực xuất hiện vô số trăm ngàn ức A Tu La Vương, thảy đều thị hiện bất tư nghì huyễn lực tự tại, làm chấn động cả trăm thế giới. Tất cả nước biển tự nhiên sôi trào. Tất cả Sơn Vương tự nhiên xung kích. Chư Thiên cung điện đều lay động. Quang minh của chư ma đều bị che khuất. Chúng ma quân đều bị xô dẹp. Khiến khắp chúng sanh bỏ tâm kiêu mạng, trừ tâm sân hại, phá núi phiền não, dứt các pháp ác, thêm lớn pháp vô tránh, hằng hòa lành nhau. Lại dùng huyễn lực khai ngộ chúng sanh, làm cho họ diệt tội ác, sợ sanh tử, khỏi các loài, lìa nhiễm trước. Khiến họ an trụ tâm Vô Thượng Bồ Ðề, khiến họ tu tất cả hạnh Bồ Tát, khiến mạnh các môn Ba la mật, khiến nhập tất cả bực Bồ Tát, khiến quán sát tất cả pháp môn vi diệu, khiến biết tất cả phương tiện của chư Phật. Những việc làm trên đây cùng khắp pháp giới.
Từ trên lưng của Hải Tràng Tỳ Kheo, vì người đáng dùng Nhị thừa để độ, xuất hiện vô số trăm ngàn ức Thanh Văn và Ðộc Giác. Vì người chấp ngã mà nói pháp vô ngã. Vì người chấp thường mà nói tất cả thành pháp đều vô thường. Vì người tham mà nói bất tịnh quán. Vì người sân ma nói từ tâm quán. Vì người si mà nói duyên khởi quán. Vì người đẳng phần phiền não mà nói cảnh giới pháp cùng trí huệ tương ưng. Vì người mến thích cảnh giới mà nói pháp vô sở hữu. Vì người mến thích chỗ tịch tịnh mà nói pháp phát thệ nguyện lớn khắp lợi ích tất cả chúng sanh. Những việc làm như vậy cùng khắp pháp giới.
Từ hai vai của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Dạ Xoa Vương, La Sát Vương : những hình mạo, những sắc tướng, hoặc cao hoặc thấp đều đáng kinh sợ. Vô lượng quyến thuộc vây quanh. Chư Vương này thủ hộ tất cả chúng sanh làm lành và các Hiền Thánh chúng hội Bồ Tát, người hướng chánh trụ và người chánh trụ. Hoặc hiện làm thần Chấp Kim Cang thủ hộ chư Phật và chỗ chư Phật ngự. Hoặc khắp thủ hộ thế gian : làm cho người hãi sợ được an ổn. Người tật bệnh được lành. Người khổ não được hết khổ. Người có lỗi lầm thời ăn năn. Người bị tai nạn thời khổ nạn. Lợi ích tất cả chúng sanh như vậy đều làm cho họ bỏ sanh tử luân mà chuyển chánh pháp luân.
Từ nơi bụng của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện trăm ngàn ức Khẩn Na La Vương, đều có vô số Khẩn Na La nữ trước sau vây quanh. Lại xuất hiện vô số Càn Thát Bà Vương, đều có vô số Càn Thát Bà nữ trước sau vây quanh. Ðều trổi vô số trăm ngàn thiên nhạc ca ngâm tán thán những pháp bửu tánh. Ca ngâm tán thán chư Phật Bửu. Ca ngâm tán thán phát Bồ đề tâm. Ca ngâm tán thán tu Bồ Tát hạnh. Ca ngâm tán thán môn thành Ðẳng Chánh Giác của tất cả chư Phật. Ca ngâm tán thán môn chuyển pháp luân của tất cả chư Phật. Ca ngâm tán thán môn hiện thần biến của tất cả chư Phật. Khai thị diễn thuyết môn nhập Niết bàn của tất cả chư Phật. Khai thị diễn thuyết môn thủ hộ giáo pháp của tất cả chư Phật. Khai thị diễn thuyết môn làm cho tất cả chúng sanh đều hoan hỷ. Khai thị diễn thuyết môn nghiêm tịnh tất cả Phật độ. Khai thị diễn thuyết môn hiển bài tất cả pháp vi diệu. Khai thị diễn thuyết môn bỏ lìa tất cả chướng ngại. Khai thị diễn thuyết môn phát sanh tất cả thiện căn. Tất cả như vậy đều cùng khắp thế giới mười phương.
Từ trên mặt của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Chuyển Luân Thánh Vương, thất bửu đầy đủ, bốn đội binh vây quanh, phóng ánh sáng đại xả, mưa vô lượng bửu làm cho người nghèo thiếu đều được no đủ và làm cho họ bỏ hẳn sự trộm cắp. Thể nữ sinh đẹp vô số trăm ngàn đều đem xả thí không tiếc, làm cho họ bỏ hẳn sự tà dâm; làm cho họ sanh lòng từ chẳng giết hại; làm cho họ rốt ráo thường nói lời chân thật, chẳng dối phỉnh, chẳng luận đàm vô ích; làm cho họ nói lời hòa giải vui thuận chẳng làm sự ly gián; làm cho họ nói lời diệu dàng không có thô ác; làm cho họ thường diễn thuyết những nghĩa thậm thâm nhất định minh liễu, chẳng nói lời vô nghĩa trau chuốt. Vì họ mà nói thiểu dục cho họ trừ tham ái lòng không nhơ bợn. Vì họ mà nói đại bi cho họ trừ sân hận tâm ý được thanh tịnh. Vì họ mà nói thật nghĩa khiến họ quán sát tất cả pháp thâm nhập nhơn duyên, khéo rõ đế lý, nhổ gai tà kiến, phá núi nghi hoặc, trừ diệt tất cả chướng ngại. Những việc làm như vậy đều đầy khắp pháp giới.
Từ hai mắt của Hải Tràng tỳ kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức nhật luân chiếu khắp tất cả những đại địa ngục và những ác thú ,đều làm cho họ khỏi khổ. Lại chiếu chặng giữa tất cả thế giới để trừ tăm tối. Lại chiếu chúng sanh mười phương đều làm cho họ bỏ lìa ngu si ế chướng. Nơi quốc độ cấu trược phóng thanh tịnh quang. Cõi nước bạch ngân phóng ánh sáng màu huỳnh kim. Nơi cõi nước huỳnh kim phóng ánh sáng màu bạch ngân. Nơi cõi nước lưu ly phóng ánh sáng màu pha lê. Cõi nước pha lê phóng ánh sáng màu lưu ly. Cõi nước xa cừ phóng ánh sáng màu mã não. Cõi nước mã não phóng ánh sáng màu xa cừ. Cõi nước đế thanh phóng ánh sáng màu nhật tạng ma ni vương. Cõi nước nhật tạng ma ni vương phóng ánh sáng màu đế thanh. Cõi nước xích chơn châu phóng ánh sáng nguyệt quang võng tạng ma ni vương. Cõi nước nguyệt quang võng tạng ma ni vương phóng ánh sáng màu xích chơn châu. Cõi nước một thứ bửu làm thành phóng ánh sáng màu nhiều thứ báu. Cõi nước nhiều thứ báu làm thành phóng ánh sáng màu một thứ báu. Những ánh sáng này chiếu đến tâm rừng rậm của chúng sanh, làm xong vô lượng sự nghiệp của chúng sanh, nghiêm sức tất cả cảnh giới thế gian, làm cho các chúng sanh tâm được mát mẻ rất hoan hỷ. Những sự như vậy sung mãn pháp giới.
Từ trong tướng bạch hào giữa chặng mày của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Ðế Thích dều tự tại nơi cảnh giới, trên đảnh có ma ni bửu châu chiếu sáng tất cả các thiên cung điện. Chấn động tất cả Tu Di Sơn Vương, giác ngộ tất cả chư Thiên chúng, khen sức phước đức, nói sức trí huệ, sức sanh báo vui, sức trì chí, sức tịnh niệm, sức bền tâm Bồ đề đã phát, khen thích thấy Phật khiến trừ ham muốn thế gian, khen thích nghe pháp khiến nhàm cảnh thế gian, khen thích quán trí khiến tuyệt thế nhiễm, ngăn chiến trận của A Tu La, dứt phiền não đấu tranh, diệt tâm sợ chết, phát nguyện hàng ma, hưng lập chánh pháp, thành xong tất cả sự nghiệp của chúng sanh. Những việc làm như vậy cùng khắp pháp giới.
Từ trên trán của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện trăm ngàn ức Phạm Thiên sắc tướng đoan nghiêm thế gian không sánh kịp oai nghi tịch tịnh, lời nói hay diệu, khuyên Phật thuyết pháp, khen Phật công đức làm cho các Bồ Tát đều hoan hỷ, có thể làm xong vô lượng sự nghiệp cho chúng sanh, cùng khắp tất cả thế giới mười phương.
Từ trên đầu của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô lượng Phật sát vi trần số chư Bồ Tát đều dùng tướng hảo trang nghiêm nơi thân, phóng vô biên quang nói các công hạnh. Những là tán thán bố thí khiến bỏ xan tham được các diệu bửu trang nghiêm thế giới, xưng dương công đức trì giới khiến các chúng sanh dứt hẳn những điều ác mà an trụ nơi giới đại từ bi của Bồ Tát. Nói tất cả pháp hữu vi thảy đều như mộng, nói những dục lạc không có tư vị khiến các chúng sanh rời sự ràng buộc của phiền não. Nói sức nhẫn nhục khiến các pháp tâm được tự tại. Khen thân kim sắc khiến các chúng sanh lìa nhơ sân hận, khởi hạnh đối trị tuyệt đường súc sanh. Khen hạnh tinh tấn khiến họ xa lìa thế gian phóng dật, đều siêng tu vô lượng diệu pháp. Lại tán thán Thiền Ba la mật khiến tất cả tâm được tự tại. Lại diễn thuyết Bát Nhã Ba la mật khai thị chánh kiến, khiến các chúng sanh thích trí tự tại trừ những kiến chấp. Lại diễn thuyết những việc làm tùy thuận thế gian, khiến các chúng sanh dầu lìa sanh tử mà ở nơi các loài tự tại thọ sanh. Lại hiện thần thông biến hóa nói thọ mạng tự tại, khiến các chúng sanh phát đại thệ nguyện. Lại diễn thuyết thành tựu sức tổng trì, xuất sanh sức đại nguyện, sức tịnh trị tam muội, sức tự tại thọ sanh. Lại diễn thuyết các thứ trí : như là trí biết khắp căn tánh của các chúng sanh, trí biết khắp tất cả tâm hành, trí biết khắp Như Lai thập lực, trí biết khắp chư Phật tự tại, những sự như vậy cùng khắp pháp giới.
Từ trên đảnh của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức thân Như Lai. Thân đó không ai bằng, đủ các tướng hảo thanh tịnh trang nghiêm, oai quang rực rỡ như tòa núi vàng vô lượng quang minh chiếu khắp mười phương, pháp diệu âm thanh sung mãn pháp giới, thị hiện vô lượng sức thần thông. Vì tất cả thế gian mà mưa pháp vũ : vì chư Bồ Tát ngồi Bồ đề đạo tràng mà mưa pháp vũ bình đẳng biết khắp. Vì chư Bồ Tát ở ngôi quán đảnh mà mưa pháp vũ nhập phổ môn. Vì chư Bồ Tát Pháp Vương Tử vị mà mưa pháp vũ phổ trang nghiêm. Vì chư Bồ Tát đồng tử vị mà mưa pháp vũ kiên cố sơn. Vì chư Bồ Tát bất thối vị mà mưa pháp vũ hải tạng. Vì chư Bồ Tát thành tựu chánh tâm vị mà mưa pháp vũ phổ cảnh giới. Vì chư Bồ Tát phương tiện cụ túc vị mà mưa pháp vũ tự tánh môn. Vì chư Bồ Tát sanh quý vị mà mưa pháp vũ tùy thuận thế gian. Vì chư Bồ Tát tu hành vị mà mưa pháp vũ khắp bi mẫn. Vì chư Bồ Tát tân học mà mưa pháp vũ tích tập tạng. Vì chư Bồ Tát sơ phát tâm mà mưa pháp vũ nhiếp chúng sanh. Vì chư Bồ Tát tín giải mà mưa pháp vũ vô tận cảnh giới khắp hiện tiền. Vì Sắc giới các chúng sanh mà mưa pháp vũ phổ môn. Vì chư Phạm Thiên mà mưa pháp vũ sanh lực. Vì chư ma chúng mà mưa pháp vũ tâm tràng. vì chư Thiên Hóa Lạc mà mưa pháp vũ tịnh niệm. Vì chư Thiên Ðâu Suất ma mưa pháp vũ sanh ý. Vì chư Thiên Dạ Ma mà mưa pháp vũ hoan hỷ. Vì chư Thiên Ðao Lợi mà mưa pháp vũ mau trang nghiêm cõi hư không. Vì chư Dạ Xoa Vương mà mưa pháp vũ hoan hỷ. Vì chư Càn Thát Bà Vương mà mưa pháp vũ kim cang luân. Vì chư A Tu La Vương mà mưa pháp vũ đại cảnh giới. Vì chư Ca Lâu La Vương mà mưa pháp vũ vô biên quang minh. Vì chư Khẩn Na La Vương mà mưa pháp vũ tất cả thế gian trí thù thắng. Vì chư Nhơn Vương mà mưa pháp vũ không say đắm. Vì chư Long Vương mà mưa pháp vũ hoan hỷ tràng. Vì chư Ma Hầu La Già Vương mà mưa pháp vũ bất hưu tức. Vì các chúng sanh địa ngục mà mưa pháp vũ chánh niệm trang nghiêm. Vì các súc sanh mà mưa pháp vũ trí huệ tạng. Vì các chúng sanh cõi Diêm La Vương mà mưa pháp vũ vô úy. Vì các chúng sanh ở xứ ách nạn mà mưa pháp vũ phổ an ủy. Ðều làm cho tất cả chúng sanh được vào chúng hội Hiền Thánh. Những sự như vậy sung mãn pháp giới.
Lại nơi tất cả lỗ lông trên thân của Hải Tràng tỳ Kheo, mỗi mỗi đều phóng ra vô số Phật sát vi trần số quang minh võng. Mỗi mỗi quang minh võng đủ vô số sắc tướng, vô số trang nghiêm, vô cảnh giới, vô số sự nghiệp, sung mãn tất cả thế giới mười phương.
Lúc đó Thiện Tài đồng tử nhất tâm quán sát Hải Tràng Tỳ Kheo lòng rất khát ngưỡng. Ghi nhớ tam muội giải thoát của Tỳ kheo. Tư duy bất tư nghì Bồ Tát tam muội của Tỳ kheo. Tư duy bất tư nghì phương tiện lợi ích chúng sanh của Tỳ kheo. Tư duy bất tư nghì vô tác dụng phổ trang nghiêm môn của Tỳ kheo. Tư duy trí thanh tịnh trang nghiêm pháp giới của Tỳ kheo. Tư duy trí thọ Phật gia trì của Tỳ kheo. Tư duy sức tự tại xuất sanh Bồ Tát của Tỳ kheo. Tư duy sức đại nguyện kiên cố Bồ Tát của Tỳ kheo. Tư duy sức thêm rộng Bồ Tát hạnh của Tỳ Kheo Hải Tràng.
Thiện Tài đồng tử đứng tư duy quán sát như vậy qua một ngày đêm, nhẫn đến bảy ngày đêm, nửa tháng, một tháng, đến sáu tháng, lại qua sáu ngày nữa Hải Tràng Tỳ Kheo mới xuất tam muội.
Thiện Tài đồng tử khen rằng : Bạch đức Thánh ! Hy hữ kỳ đặc, tam muội như thế rất là sâu xa, tam muội như vậy rất là quảng đại, tam muội như vậy cảnh giới vô lượng, tam muội như vậy thần lực khó nghĩ, tam muội như vậy quang minh không gì bằng, tam muội như vậy trang nghiêm vô số, tam muội như vậy oai lực khó chế ngự, tam muội như vậy cảnh giới bình đẳng, tam muội như vậy chiếu khắp mười phương, tam muội như vậy lợi ích vô hạn, vì có thể trừ diệt vô lượng khổ cho tất cả chúng sanh. Như là làm cho tất cả chúng sanh lìa khổ do tham, khỏi khổ địa ngục, súc sanh, đóng cửa ách nạn, mở đường nhơn thiên, làm cho nhơn thiên hoan hỷ. Làm cho họ thích thiền cảnh giới. Có thể làm cho tăng trưởng sự vui hữu vi. có thể vì họ mà hiển bày sự vui giải thoát. Có thể vì họ dẫn phát tâm Bồ đề. Có thể khiến tăng trưởng hạnh phước trí. Có thể khiến tăng trưởng tâm đại bi. Có thể làm cho sanh khởi sức đại nguyện. Có thể làm cho minh liễu đạo Bồ Tát. Có thể làm cho trang nghiêm trí cứu cánh. Có thể làm cho xu nhập cảnh Ðại thừa. Có thể làm cho chiếu liễu hạnh Phổ Hiền. Có thể làm cho chứng được trí quang minh của các bậc Bồ Tát. Có thể làm cho thành tựu các hạnh nguyện của tất cả Bồ Tát. Có thể làm cho an trụ trong cảnh giới Nhứt thiết chủng trí.
Bạch đức Thánh ! Tam muội này tên là gì ?
Hải Tràng Tỳ Kheo nói :
Nầy thiện nam tử ! Tam muội đây tên là "Phổ nhãn xả đắc". Lại tên là " Bát Nhã Ba la mật cảnh giới thanh tịnh quang minh". Lại gọi là "Phổ trang nghiêm thanh tịnh môn".
Này thiện nam tử ! Ta do tu tập Bát Nhã Ba la mật nên được tam muội phổ trang nghiêm thanh tịnh này và trăm vạn vô số tam muội.
Thiện Tài đồng tử thưa :
Bạch đức Thánh ! Cảnh giới rốt ráo của tam muội này chỉ như vậy thôi ư ?
Hải Tràng Tỳ Kheo nói :
Này thiện nam tử ! Lúc nhập tam muội này, thời rõ biết tất cả thế giới không chướng ngại. Qua đến tất cả thế giới không chướng ngại. Vượt qua tất cả thế giới không chướng ngại. Trang nghiêm tất cả thế giới không chướng ngại. Tu trị tất cả thế giới không chướng ngại. Nghiêm tịnh tất cả thế giới không chướng ngại. Thấy tất cả Phật không chướng ngại. Quán tất cả chư Phật oai đức quảng đại không chướng ngại. Biết tất cả chư Phật thần lực tự tại không chướng ngại. Chứng tất cả chư Phật quảng đại lực không chướng ngại. Nhập tất cả chư Phật những công đức hải không chướng ngại. Thọ tất cả chư Phật vô lượng diệu pháp không chướng ngại. Nhập trong tất cả Phật pháp tu tập diệu hạnh không chướng ngại. Chứng trí tất cả chư Phật chuyển pháp luân bình đẳng không chướng ngại. Nhập tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng không chướng ngại. Quán Phật pháp mười phương không chướng ngại. Ðại bi nhiếp thọ chúng sanh mười phương không chướng ngại. Thường khởi đại từ sung mãn mười phương không chướng ngại. Thấy thập phương chư Phật lòng không nhàm đủ, không chướng ngại. Nhập tất cả chúng sanh hải không chướng ngại. Biết căn tánh hải của tất cả chúng sanh không chướng ngại. Biết những căn sai biệt trí của tất cả chúng sanh không chướng ngại.
Này thiện nam tử ! Ta chỉ biết một “BÁT NHÃ BA LA MẬT TAM MUỘI QUANG MINH” này. Còn như chư Bồ Tát nhập trí huệ hải, tịnh pháp giới cảnh, đạt tất cả thú, khắp vô lượng cõi, tổng trì tự tại, tam muội thanh tịnh, thần thông quảng đại, biện tài vô tận, khéo nói các địa, làm chỗ nương cho chúng sanh, ta làm sao biết được những diệu hạnh đó, biện được công đức đó, rõ được chỗ làm đó, tỏ được cảnh giới đó, tột được nguyện lực đó, nhập được yếu môn đó, đạt được sở chứng đó, nói được đạo phần đó, trụ được tam muội đó, thấy được tâm cảnh đó, chứng được bao nhiêu trí huệ bình đẳng đó.
Này thiện nam tử ! Từ dây qua phương Nam có một xứ tên là Hải Triều. Xứ đó có khu viên lâm tên là Phổ Trang Nghiêm. Trong viên lâm đó có Ưu bà di tên là Hưu Xã. Ngươi đến đó hỏi Ưu bà di : Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh ? Thế nào tu Bồ Tát đạo ?
Bấy giờ Thiện Tài đồng tử ở chỗ Hải Tràng Tỳ Kheo được thân kiên cố, được của diệu pháp, nhập thâm cảnh giới, trí huệ sáng suốt, tam muội chiếu sáng, trụ thanh tịnh giải, thấy pháp thậm thâm, tâm an trụ trong các môn thanh tịnh, trí huệ quang minh sung mãn mười phương.
Thiện Tài đồng tử rất vui mừng hớn hở vô lượng. Năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ chân Hải Tràng Tỳ Kheo, hữu nhiễu vô lượng vòng, cung kính chiêm ngưỡng tư duy quán sát ngậm ngùi luyến mộ. Nhớ danh hiệu của Hải Tràng Tỳ Kheo. Tưởng dung nhan cử chỉ của Hải Tràng Tỳ Kheo. Ghi âm thanh của Hải Tràng Tỳ Kheo. Suy gẫm tam muội của Hải Tràng Tỳ Kheo và đại nguyện cùng cảnh giới. Thọ lấy trí huệ quang minh thanh tịnh của Hải Tràng Tỳ Kheo, sao đó từ tạ mà đi.
Kinh:
Thiện Tài Đồng Tử đi lần qua phương Nam đến bờ Diêm Phù Đề, nước Ma Lợi, tìm Hải Tràng Tỳ Kheo.
Bèn thấy Hải Tràng Tỳ Kheo ngồi kiết già ở bên chỗ đi kinh hành, đang nhập tam muội, bặt hơi thở, lìa tư giác, thân tâm bất động.
Giảng:
Thiện Tài đến đó thấy một vị Tỳ Kheo đương ngồi trong tam muội. Kinh kể tất cả những hóa thân bời bời của ngài Hải Tràng Tỳ Kheo, ở ngài Giải Thoát Trưởng Giả thứ năm dạy Thiện Tài quán như huyễn, trung đạo song chiếu, sau đó lại chì đến ngài Hải Tràng để dạy cho Thiện Tài cách hóa, hiện vô lượng hóa thân. Tức là sau khi quán chiếu như huyễn, sẽ được thần thông rồi hiện vô lượng hóa thân. Tôi xin đọc một đoạn kinh tả ngài Hải Tràng Tỳ Kheo nhập tam muội…
Kinh:
Từ dưới chân của Tỳ Kheo ấy hiện ra vô số ngàn ức Trưởng Giả, Cư Sĩ, Bà La Môn. Đại chúng này đều dùng nhiều đồ trang nghiêm để nghiêm sức thân mình. Tất cả đều đội bửu quan, đeo minh châu qua khắp tất cả thế giới mười phương, mưa tất cả châu bửu, tất cả chuỗi ngọc, tất cả y phục, tất cả đồ uống ăn thượng vị đúng pháp, tất cả hoa, tất cả tràng hoa, tâ’t cả hương, tất cả hương thoa, tất cả đồ tư sanh theo sỗ thích…
Giảng:
“Từ dưới chân ngài…,” tức là từ chỗ thấp nhát hiện ra vô lượng những hóa thân đều là Cư Sĩ, Trưởng Giả, Bà La Môn. Những hóa thân bay đi mười phương làm mưa những thứ đồ cần thiết cho chúng sanh…
Kinh:
Từ hai gối của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện trăm ngàn ức sát đế lợi, Bà La Môn. Đại chúng này đều thông huệ, nhiều sắc tướng nhiều hình mạo, nhiều y phục thượng diệu trang nghiêm, cùng khắp tất cả thế giới mười phương, dùng ái ngữ và đổng sự nhiếp các chúng sanh.
Giảng:
Quí vị nên để ý, vị này hiện hóa thân từ dưới chân lên cao dần, rồi đến hai gối, eo lưng, hông, để độ sanh từ dưới thấp lên đến cao.
Kinh:
Từ khoảng eo lưng của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô lượng vô số tiên nhân…
Giảng:
Ngài Hải Tràng Tỳ Kheo hóa ra vô số tiên nhân để bay đi các nơi thuyết những pháp thanh tịnh.
Kinh:
Từ hai bên hông của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện bất tư nghì Long, bất tư nghi Long Nữ…
Giảng:
Thường thường các chư Long này hay hiện thần biến, mây bửu, cung điện, mưa, mây bửu phan, mây diệu bửu trang nghiêm v.v…
Kinh:
… Từ tướng chữ “Vạn” trước ngực, xuất hiện vô số trăm ngàn ức A Tu La Vương…
Giảng:
Các ngài A Tu La Vương thường thích tu thần thông biến hóa, đồng thời, loài A Tu La rất kiêu mạn. Nhưng các vị này, trong kinh tả sau khi đã dẹp được kiêu mạn, thì bay đi các nơi để giúp chúng sanh dẹp bớt kiêu mạn. Mỗi loài có những hạnh nguyện riêng, và tùy theo các loài mà ngài Hải Tràng hiện hóa thân để độ sanh.
Kinh:
…Từ trên vai của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Dạ Xoa Vương, La Sát Vương…
Giảng:
Dạ Xoa Vương, La Sát Vương là những vị quĩ thần lớn. Các loài La Sát và Dạ Xoa ở dưới thấp thường hay bắt người để ăn thịt, còn các ngài này đã là những vị vương chủ rổi, nên các ngài bay đi để giúp chúng sanh đỡ sụ kinh sợ, làm đủ những công hạnh độ sanh.
Kinh:
Hoặc khắp thủ hộ thế gian làm cho người được an ổn, người tật bệnh được lành…
Giảng:
Vì vậy, ta cần hiểu rằng trong pháp giới này, có rất nhiều vị thần thủ hộ cho những người có thiện tâm và các vị tu hành.
Kinh:
…Từ nơi bụng của Hải Tràng Tỳ Kheo xuâthiện trăm ngàn ức Khẩn Na La Vương…, Càn Thát Bà Vương…,
Giảng:
Nếu chúng ta ngồi đây mà tán thán những thần thông của chư Phật thì được công đức rất nhiều…
Kinh:
…Từ hai mắt của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Nhật Luân…
Giảng:
Những vị hóa thân này bay đi khắp nơi để giúp chúng sanh bớt những si ám…
Kinh:
…Từ trong tướng bạch hào giữa chặng mày của Hải Tràng Tỳ Kheo xuất hiện vô số trăm ngàn ức Đế Thích đều tự tại nơi cảnh giới…
Giảng:
Các vị hóa thân này, cũng hóa hiện làm vị trời Đế Thích, bay đi các nơi để độ sanh cho những vị trên cõi thiên, ở đây, tôi chỉ xin nói lên những ý chính, không thể nói hết được, chỉ giúp quí vị hiểu khoảng chừng 3 phần, còn 7 phần thì quí vị phải tự tìm hiểu lấy, về nhà đọc thêm kinh sách và suy tư để hiểu rõ hơn. Mà lời giảng của tôi chỉ có thể giúp đỡ cho những vị nào đã chịu khó đọc rồi độ hai lần, mà tốt hơn nữa là phải suy tư về kinh, phải khổ sở, loay hoay, thắc mắc v.v… thì khi nghe giảng mới có thể lĩnh hội được nhiều. Còn nếu chỉ đến chùa, nghe sơ sơ, thì cũng có lợi đây, nhưng đó chỉ là trồng những thiện căn về sau thôi. Vì kinh dài quá, không thể nói hết những chi tiết được, mà dù tôi có cố nói hết cho quí vị nghe nhưng nếu không suy tư thì cũng chẳng được lợi gì mấy. Phải do nơi quý vị một phần lớn mới được. Mà trong pháp giới này, chư Phật và chưThần Linh lớn đều tôn trọng Bồ Đề Tâm và nền giáo lý cao siêu nhất Giáo lý của các tôn giáo khác cũng lớn, nhưng chưa phải là rốt ráo. Khi một hành giả thấm được giáo lý nhất như tự tâm biến hiện thì vị đó chắc sẽ được sức gia trì của chư Phật, chư Đại Bồ Tát. Thì đây, xin đọc tiếp kinh…
Kinh:
Lúc đó Thiện Tài Đổng Tử nhất tâm quán sát Hải Tràng Tỳ Kheo lòng rất khát ngưỡng, ghi nhớ tam muội giải thoát của Tỳ Kheo. Tư duy bất tư nghì Bồ Tát tam muội của Tỳ Kheo. Tư duy bất tư nghì phương tiện lợi ích chúng sanh của Tỳ Kheo… (Bỏ một đoạn kinh nói về sự tư duy của Thiện Tài về những tam muội bất tư nghi của Tỳ Kheo Hải Tràng…) …Thiện Tài Đồng Tử đứng tư duy quán sát như vậy qua một ngày một đêm, nhẫn đến bảy ngày bảy đêm, nửa tháng, một tháng, đến sáu tháng, lại qua sáu ngày nữa Hải Tràng Tỳ Kheo mới xuất tam muội…
Giảng:
Thực sự, khi tôi đọc kinh nói về thời gian tôi cũng không dám chắc ý lắm, vì thời gian trong kinh thật khó có thể nói rõ ràng, khi thì rất dài, khi thì rất ngắn, một kiếp có thể thu lại bằng một sát na, hoặc một sát na kéo dài ra nhiều kiếp. Cũng như đoạn sau này, khi Thiện Tài đến gặp vị thiện tri thức Thiện Kiến, ngài Thiện Kiến nói rằng, ta còn rất trẻ mới xuất gia chưa được bao lâu, nhưng ngài lại nói ngay rằng, trong kiếp này ta tu qua bao nhiêu ức-na-do-tha đức Phật, tu bất khả thuyết, bất khả thuyết thời gian. Nên trong kinh bao giờ cũng nói hai nghĩa, một nghĩa theo thế gian, một nghĩa theo tâm thức sâu của vị đó. Vì đối với người thế gian, ngài mới có độ ba mươi tuổi, mới xuất gia, nhưng trong tâm thức ngài tu không biết bao nhiêu kiếp rồi. Mà trong phẩm nhập pháp giới này, có rất nhiều đoạn nói về thời gian một cách hư ảo như thế, nên ta chỉ có thể đoán chừng và dõi theo dữ kiện để hiểu phần nào mà thôi…
Kinh:
Thiện Tài Đồng Tử khen rằng: Bạch đức Thánh, hy hữu kỳ đặc, tam muội như thế rất là sâu xa, tam muội như vậy rất là quảng đại, tam muội như vậy cảnh giới vô lượng, tam muội như vậy thần lực khó nghĩ, tam muội như vậy quang minh không gì bằng v.v… (Bỏ một đoạn kinh nói về Thiện Tài tán thán về sức tam muội của ngài Hải Tràng Tỳ Kheo)… Bạch đức Thánh, tam muội này tên là gì? Hải Tràng Tỳ Kheo nói: Này thiện nam tử, tam muội đây tên là “phổ nhãn xả đắc.” Lại tên là “Bát Nhã Ba La Mật cảnh giới thanh tịnh quang minh.” Lại gọi là phổ trang nghiêm thanh tịnh môn…
Giảng:
Thì đây, tôi giảng lại từng chữ trong tên của tam muội này. “Bát nhã ba la mật cảnh giới thanh tịnh quang minh.” “Bát nhã ba la mật” là thuộc về bát nhã, nhưng đồng thời đi kèm theo là “cảnh giới thanh tịnh” tức là thuộc về đại bi (vì có cảnh giới và có quang minh), nên nếu không để ý thì cứ tưởng rằng ngài Hải Tràng chỉ dạy bát nhã thôi. Nhưng không phải đúng như vậy, ở đây, ngài dạy Thiện Tài song chiếu và hiện tướng để đi vào diệu hữu. Đồng thời đi vào bát nhã rất sâu, mà vẫn khởi đại bi để tạo những cảnh giới thanh tịnh quang minh độ sanh. Tam muội này còn có một tên khác là “phổ trang nghiêm thanh tịnh môn,” là tạo nên những cảnh giới trong tâm thức, rồi phổ những cảnh giới đó vào pháp giới để trang nghiêm.
Kinh:
Này thiện nam tử, ta do tu tập bát nhã ba la mật nên được tam muội phổ trang nghiêm thanh tịnh này và trăm vạn vô số tam muội.
Giảng:
Kinh không bao giờ quên cả, vừa nói “bát nhã ba la mật” bèn đi liền theo sau là “phổ trang nghiêm” tức đại bi. Lúc này, Thiện Tài Đồng Tử nói một câu mà tôi phải nghĩ mãi mới ra, ngài hỏi một câu khá… buồn cười.
Kinh:
Bạch đức Thánh, cảnh giới rốt ráo của tam muội này chỉ như vậy thôi ư?
Giảng:
Thế nghĩa là sao? Có phải Thiện Tài… chê ngài Hải Tràng hay không? Ở đây, ý Thiện Tài muốn nói rằng: “con đã trông thấy ngài xuất hiện hóa thân bời bời trăm ức na do tha, vô lượng nhiều như thế hóa thân như vậy, con nghĩ rằng không biết đó có phải tất cả cảnh giới của pháp giới này chăng? Vì con thấy ngài hiện tất cả hóa thân của các chúng hữu tình thôi, còn những cảnh y báo thì sao? Ngài có hiện những cái đó không??” Đó là ý nghĩa câu hỏi của Thiện Tài như vậy. Ngài Hải Tràng Tỳ Kheo đáp rằng: Không, như vậy không phải là hết đâu…
Kinh: Này thiện nam tử, lúc nhập tam muội này, thời rõ biết tất cả thế giới không chướng ngại.
Giảng:
Ỷ ngài muốn nói rằng, ta hiện tam muội như thế thôi chính thật ta biết rõ tất cả những thếgiới. Nhưng như tôi đã nói ở trên, chữ “tất cả” này (cũng như chữ vô lượng) vẫn tùy theo mức độ của người nói thôi. Còn đến chỗ “ngằn mé” của sự tất cả thì chắc phải là chư Phật mới biết được. Nhưng trong đoạn kinh này, ngài Hải Tràng muốn nói rằng: Ngài có thể hóa hiện hơn nhiều nhưng ngài chĩ hiện thế cho Thiện Tài xem mà thôi. Ngài dạy Thiện Tài cách thức khởi tâm đại bi, để tạo dựng hóa thân, hình hài vô lượng. Vì nếu không có hình hài vô lượng không thể độ sanh được. Với một nhục thân hai tay, hai chân này nhiều lắm chỉ độ được một số ít người là cùng, hoặc vài trăm, vài ngàn, thì ăn thua gì với pháp giới?! Nên ở đây, ngài dạy Thiện Tài nhập pháp giới trọn vẹn để độ tất cả chúng sanh, hiện nhiều thần thông, nhiều hóa thân. Và ta cũng thấy mức độ đi lên của Thiện Tài rất rõ, từ niệm Phật tam muội, sau đến quán tâm khởi lên pháp giới, sau đó học thiện trụ, rồi tụng chú đà la ni, diệu âm, rồi nhập pháp giới cho Thiện Tài nhìn thây, rồi dạy như huyễn, trung đạo song chiếu, rồi hiện hóa thân vô lượng v.v…
Kinh:
Này thiện nam tử, từ đây qua phương Nam có một xứ tên là Hải Triều…
Giảng:
Quí vị nên nhớ, những chữ dùng trong kinh rất chính xác, Hải Triều là gì? Là ngọn thủy triều đưa tâm thức hành giả đi sâu vào biển tàng thức ấy.
Kinh:
Xứ đó có khu viên lâm tên là Phổ Trang Nghiêm, trong viên lâm đó có ưu Bà Di tên là Hữ xả. Ngươi đến đó hỏi Ưu Bà Di: Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh? Thế nào tu Bồ Tát đạo?
Giảng:
Bà ưu Bà Di Hưu xả này cũng là “phổ trang nghiêm” ở một cảnh giới khác, đều là những cảnh giới hiện trong tàng thức của các vị thiện tri thức đó thôi, và gia trì, khiến cho Thiện Tài nhìn thấy.
Kinh:
Bấy giờ Thiện Tài Đồng Tử ở chỗ Hải Tràng Tỳ Kheo được thân kiên cố…
Giảng:
“Thân kiên cố” là cái thân thanh tịnh gần như bất hoại, có thể làm xuất hiện vô lượng hóa thân.
Kinh:
…Được của diệu pháp, nhập thâm cảnh giới, trí huệ sáng suốt, tam muội chiếu sáng, trụ thanh tịnh giải, thấy các pháp thậm thâm, tâm an trụ trong các môn thanh tịnh, trí huệ quang minh sung mãn mười phương.
Thiện Tài Đồng Tử rất vui mừng hớn hở vô lượng. Năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ chân Hải Tràng Tỳ Kheo, hữu nhiễu vô lượng vòng, cung kính chiêm ngưỡng, tư duy quán sát, ngậm ngùi luyến mộ. Nhớ danh hiệu của Hải Tràng Tỳ Kheo…
Giảng:
Cũng như chúng ta tưởng nhớ danh hiệu của ngài Quán Thế Âm vậy, và sự tưởng nhớ sẽ chiêu cảm sức gia trì.
Kinh:
Tưỏng dung nhan cử chỉ của Hải Tràng Tỳ Kheo. Ghi âm thanh của Hải Tràng Tỳ Kheo. Suy gẫm tam muội của Hải Tràng Tỳ Kheo và đại nguyện cùng cảnh giới. Thọ lấy trí huệ quang minh thanh tịnh của Hải Tràng Tỳ Kheo sau đó từ tạ mà đi…
Giảng:
Có chỗ này tôi lấy làm lạ là Thiện Tài không khóc, trong khi ở nhiều chỗ khác, ngài lại khóc. Trong kinh, bất kỳ chi tiết nào đều có nghĩa thâm sâu của nó, chỉ có cái là mình không nghĩ ra mà thôi…
Comments
Post a Comment