Shurangama Mantra with Verses and Commentary
by Venerable Tripitaka Master Hsuan Hua
429. A ĐỊA MỤC CHẤT ĐA
阿地目質多
ADHIMUKTO
Vô
Năng Áp thắng tạp cư Thiên
Nhất
thiết hữu lực quỷ thần quyền
Tuân
thủ hiệu lệnh hộ lương thiện
Công
thưởng quá phạt chánh bất thiên.
無能壓勝雜居天
一切有力鬼神權
遵守號令護良善
功賞過罰正不偏
THẦN VÔ NĂNG
ÁP HỘ TRÌ CHÁNH TRI KIẾN
Kinh văn: 諸修行人不能得成無上菩提,乃至別成聲聞緣覺。及成外道,諸天魔王,及魔眷屬。
Phiên âm: Chư tu hành nhân, bất
năng đắc thành vô thượng bồ-đề, nãi chí biệt thành thanh văn, duyên giác cập
thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương, cập ma quyến thuộc.
Việt dịch: Những người tu hành không
thành được đạo vô thượng bồ-đề, mà chỉ thành thanh văn, duyên giác hoặc thành
ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma…
Giảng: Những người tu hành không thành được đạo Vô thượng
bồ-đề. Ở đây bao gồm tất cả hàng ngoại đạo cũng như hàng Phật tử. Những người
khi tu đạo mà mong cầu chứng được điều gì đó, thành tựu điều gì đó. Những gì họ
mong cầu là đạt được quả vị Vô thượng bồ-đề. Bồ-đề là sự thành tựu Phật quả.
Bồ-tát được gọi là bậc Thượng sĩ, còn Đức Phật được gọi là Vô thượng sĩ và Vô
thượng bồ-đề là cảnh giới đã thành tựu quả vị Phật. Mà chỉ thành Thanh văn,
Duyên giác.
Liệu những người tu hành có thể đạt được quả vị nào khác Phật
quả? Thanh văn là những người nghe Phật thuyết pháp mà giác ngộ. Họ tu tập pháp
Tứ diệu đế. Duyên giác là những người tu tập theo pháp Thập nhị nhân duyên.
Hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương và quyến thuộc của ma…
Thế nào nghĩa là ngoại đạo? Từ này rất thường được đề cập
trong kinh này. Những ai mà “mong cầu ở ngoài tâm có pháp” thì được xem như
ngoại đạo. Thực vậy, những người mà chưa đạt được sự giác ngộ hay chưa chứng
được Phật quả có thể nói theo một ý nghĩa khác, là còn ở bên ngoài đạo. Có rất
nhiều cõi trời, cõi trời gần chúng ta nhất là cõi trời Tứ thiên vương. Cõi trời
này nằm phía trên núi Tu-di, bao trùm một nửa núi Tu-di, ở bốn phía Đông – Nam
– Tây – Bắc. Bốn vị vua cai quản các cõi trời này là Trì Quốc Thiên vương, Tăng
Trưởng Thiên vương, Quảng Mục Thiên vương và Đa Văn Thiên vương. Thọ mạng của
chư Thiên trong các cõi trời này là năm trăm năm. Thế nên đối với loài người
chúng ta, năm mươi năm chỉ bằng một ngày một đêm nơi các cõi trời này.
Phía trên cõi trời Tứ thiên vương là cõi trời Tam thập tam
thiên. Thọ mạng của chư Thiên cõi trời này là một nghìn năm. Cõi nhân gian một
trăm năm tương đương một ngày một đêm trên cõi trời này. Có tất cả ba mươi ba
cõi trời hết thảy, mỗi phương Nam, Bắc, Đông, Tây của núi Tu-di có tám cõi trời
– tất cả là ba mươi hai và cõi trời thứ ba mươi ba nằm trên núi Tu-di. Chủ của
cõi trời Tam thập tam thiên nguyên là một phụ nữ. Một hôm bà ta thấy tượng Phật
ở trong một ngôi chùa bị dột nát. Bà ta phát tâm lợp lại mái chùa khiến cho mưa
không giọt xuống tượng Phật nữa. Bà ta vốn là một người nghèo, nhưng bà khuyến
khích ba mươi hai người bạn của bà cùng phát tâm cúng dường lo việc sửa chùa.
Do phước đức phát sinh từ hạnh nguyện này khiến cho ba mươi ba người này được
sinh vào cõi trời và trở thành thiên chủ của ba mươi ba cõi trời này.
Trong thần chú Thủ-lăng-nghiêm, câu “Nam mô nhân đà ra da.”
“Nam mô” nghĩa là quy y, “Nhân đà ra da” nghĩa là thiên chủ của cõi trời Tam
thập tam thiên. Cõi Trời Tứ thiên vương và cõi trời Tam thập tam thiên vương là
hai cõi trời đầu tiên ở Lục dục thiên. Các cõi trời còn lại sẽ được giải thích
chi tiết ở phần sau. Ma vương cư ngụ ở Lục dục thiên. ở đó không chỉ có Ma
vương mà toàn bộ ma dân cũng cư ngụ ở đó gồm: ma nữ, ma con, ma cháu và rất nhiều
quyến thuộc. Ma quỷ cũng có quyến thuộc, con cháu, đồ đệ. Nó làm bá chủ một cõi
trời, lập thành ma cung. Phần nhiều những người tu theo ngoại đạo đều dẫn đến
kết cuộc là sinh trong các cõi này. Bậc thượng thì làm Ma vương, bậc trung thì
làm ma dân, bậc hạ thì làm ma nữ. Ma nữ đặc biệt là rất đẹp và rất quyến rũ.
Bất lụân quý vị là ai, như A-nan chẳng hạn dù đã chứng được quả vị thứ nhất của
hàng a-la-hán, mà cũng không có đủ định lực để làm chủ mình khi nhìn thấy một
ma nữ, nên A-nan đã gần như muốn thử bất cứ món gì. Ma nữ rất có quyền lực. Quý
vị là những người tu đạo nên hết sức cẩn trọng đừng để loài ma này quyến rũ
mình. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Nếu quý vị không có đủ định lực thì quý vị sẽ không thể duy
trì được sự an định, khi gặp tình huống này sẽ bị ma xoay chuyển và quý vị sẽ
thấy mình bị kéo lê lết theo sau một con ma nữ rồi rơi xuống hố ma. Nếu tôi nói
nhiều ma vương sẽ than phiền: “Ngài nói nhiều quá và cứ phơi bày xấu xa của
chúng tôi.” Thế nên tôi xin dừng. Nói chung là hãy nên thận trọng, hãy phát huy
định lực tối cao, lúc ấy chẳng có gì để sợ hãi. Đây là sự thử nghiệm tuyệt
duyệt nhất mà tôi xin ban tặng cho quý vị.
Kinh văn: 皆由不知二種根本,錯亂修習。猶如煮沙欲成嘉饌。縱經塵劫,終不能得。
Phiên âm: Giai do bất tri nhị
chủng căn bản, thố loạn tu tập. Dụ như chử sa dục thành gia soạn. Túng kinh
trần kiếp, chung bất năng đắc.
Việt dịch: Đều do không biết hai món
căn bản, nên tu tập sai lầm. Họ cũng như người nấu cát mà mong thành cơm. Dù
có trải qua nhiều kiếp như vi trần nhưng rốt ráo vẫn không thể đạt được
những gì mong muốn.
Giảng: Tại sao họ không thể thành Phật hoặc lại còn trở thành
ma vương?
Đều do không biết hai món căn bản, nên tu tập sai lầm. Hai món
căn bản này rất là quan trọng sẽ được giảng giải trong đoạn văn sau. Và do vì
họ không hiểu được nên họ bị sai lầm trong khi tu tập. Kết quả thành ra mê mờ.
Họ không biết làm sao hành trì cho đúng pháp chân chính. Ví dụ như ở Ấn Độ có
một phái ngoại đạo chuyên thực hành pháp tu khổ hạnh bằng cách ngủ trên giường
đinh. Họ cho rằng người ta sẽ được công đức nhờ dám tu tập hạnh khổ nhọc như
vậy. Có công đức gì trong việc làm ấy? Dù quý vị có ngủ trên dao đi nữa, cũng
vô ích mà thôi. Có một số người khác cố làm cho được những thói quen của loài
bò và loài chó.
Họ bắt chước y hệt cử chỉ của các loài vật này. Tại sao vậy?
Đó cũng như là tình trạng nhầm lẫn mê mờ phương pháp tu hành chân chính. Họ
thực hành lối tu khổ hạnh vô ích chẳng đạt được kết quả gì cả, dù họ có tu hành
khổ nhọc đến đâu đi nữa. Họ giống như việc gì? Bây giờ Đức Phật mới đưa ra một
ví dụ. Họ cũng như người nấu cát mà mong muốn thành cơm. Dù có trải qua nhiều
kiếp như vi trần nhưng rốt ráo vẫn không thể đạt được những gì mong muốn. Cát
hoàn toàn chỉ biến thành cát, cát không thể biến thành thức ăn được. Những
người này không hiểu được hai món căn bản nên mê mờ, nhầm lẫn trong công phu tu
tập. Chung quy sẽ dẫn đến những việc tương tự như vậy.
Kinh văn: 云何二種。阿難一者無始生死根本。則汝今者與諸眾生。用攀緣心為自性者.
Phiên âm: Vân hà nhị chủng?
A-nan, nhất giả vô thỉ sanh tử căn bản, tắc nhữ kim giả, dữ chư chúng sanh, dụng
phan duyên tâm vi tự tánh giả.
Việt dịch: Những gì là hai món căn
bản? Một là căn bản sinh tử, từ vô thỉ, chính là tâm phan duyên mà hiện
nay ông và toàn thể chúng sinh nhận làm tự tánh.
Giảng: “Những gì là hai thứ căn bản?”
Nay Đức Phật sẽ giảng rõ hai món căn bản cho A-nan, tôi nghĩ
mọi người đều muốn biết hai món căn bản ấy là gì. Tuy nhiên, tôi sẽ không giải
thích về ý này vội.
Trước hết, tôi muốn đề cập đến người em cùng cha khác mẹ của
Đức Phật là Tôn-đà-la Nan-đà (Sundarananda), vì trước đây tôi chưa nói về nhân
vật này. Ông ta rất yêu vợ mình là nàng Tôn-đà-lợi (Sundari). Hai người có thể
nói là như keo sơn. Họ ở bên nhau suốt ngày, chẳng hề rời nhau. Do đó để phân
biệt ông ta với Ngài A-nan, Nan-đà được gắn thêm tên vợ mình là Tôn-đà-lợi,
thành ra Tôn-đà-la Nan-đà. Một hôm Đức Phật đi ngang qua nơi Tôn-đà-la Nan-đà
đang ở. Đức Phật đến vương cung khất thực, gặp lúc vợ chồng Tôn-đà-la Nan-đà
đang ăn cơm. Khi Tôn-đà-la Nan-đà thấy Đức Phật đang đến, ông ta rời khỏi người
vợ và dặn lại:
– Hãy đợi một lát, tôi ra cúng dường cho Đức Phật.
Người vợ liền bảo:
– Ông đi cúng dường cho Đức Phật thì rất tốt nhưng hãy trở lại đây tức thì,
đừng có đi luôn!
Tôn-đà-la Nan-đà đáp:
– Dĩ nhiên. Tôi trở lại liền.
Nàng Tôn-đà-lợi liền nhỗ một bãi nước miếng xuống đất rồi nói:
– Nếu ông không trở lại trước khi bãi nước miếng này khô, thì tôi sẽ không để
cho ông vào giường với tôi.
Tôn-đà-la Nan-đà cũng lưu tâm đến lời khuyên này và hứa:
– Chắc chắn tôi sẽ trở về ngay.
Rồi ông ta liền mang thức ăn, rau quả đến cúng dường Đức Phật.
Ông ta đến dâng bình bát cho Đức Phật, nhưng ông thấy sao mà Đức Phật làm những
việc kỳ lạ quá? Đức Phật đã dùng thần thông. Mỗi khi Tôn-đà-la Nan-đà bước đến
một bước để dâng bát cho Đức Phật thì Đức Phật lùi lại một bước. Thế nên Tôn-đà-la
Nan-đà vẫn cứ tiến tới để theo kịp Đức Phật, nên chỉ còn vài bước nữa là cả hai
về đến Tinh xá Kỳ hoàn. Mặc dù thực tế là từ Tinh xá về đến nhà Tôn-đà-la
Nan-đà rất xa. Khi đã về đến Tinh xá rồi, Đức Phật bảo Tôn-đà-la Nan-đà:
– Đừng về nhà nữa, hãy ở đây với tôi, sống cuộc đời của người
xuất gia. Tôn-đà-la Nan-đà vô cùng sửng sốt, đến nỗi toàn thân ông ta nổi da
gà. Ông ta nói rõ ràng dứt khoát:
– Tôi không thể nào ở lại đây được. Tôn-đà-lợi đang đợi tôi ở
nhà. Tôi chẳng thể nào lưu lại đây được. Tôi phải về nhà thôi.
Đức Phật bảo:
– Ông chẳng thể nào về nhà được, để tôi chỉ cho ông xem một số cảnh rồi hãy xét
lại suy nghĩ của mình.
Đức Phật dẫn Tôn-đà-la Nan-đà đến nơi có đàn khỉ đang sinh
sống, rồi hỏi:
– Những con khỉ này và nàng Tôn-đà-lợi, ai đẹp hơn?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp ngay:
– Dĩ nhiên là nàng Tôn-đà-lợi đẹp hơn. Sao lại có thể so sánh như vậy được?
Đức Phật xác định việc so sánh ấy là hoàn toàn đúng rồi đưa
ông ta lên cung trời. Khi đi dạo, họ chú ý đến cung điện rực rỡ, nơi những
cung nữ đang bận rộn trong việc chùi rửa và trang hoàng. Có khoảng năm trăm
thiên nữ đang ở trong cung điện này, người nào cũng đẹp, không thể nào so sánh
được. Tôn-đà-la Nan-đà hỏi một cung nữ:
– Tại sao các người làm những việc này?
Họ đáp:
– Chúng tôi trang hoàng cung điện chuẩn bị để đón người em họ của Đức Phật là
Tôn-đà-la Nan-đà. Sau khi ông ta tu tập, ông ta sẽ sinh lên cõi trời để hưởng
phước. Năm trăm thiên nữ ở đây sẽ là vợ của ông ta. Tôn-đà-la Nan-đà rất lấy
làm vui thích.
Đức Phật hỏi:
– Này Nan-đà, những thiên nữ ở đây và nàng Tôn-đà-lợi ai đẹp hơn?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp liền :
– Dĩ nhiên là những thiên nữ này đẹp hơn. Làm sao lại có thể so sánh như thế
được. Nàng Tôn-đà-lợi chỉ đáng như con khỉ dưới kia thôi.
Đức Phật bảo: – Đúng vậy, cung điện này đang chuẩn bị sẵn
sàng để đón ông. Sau khi đi dạo khắp hoàng cung, Đức Phật đưa người em mình
xuống dạo chơi ở địa ngục. ở đây, họ thấy hai con quỷ đang đun một chảo dầu.
Một con thì đang ngủ say và con kia dù đã tỉnh ngủ rồi nhưng hai mắt còn mở
chưa ra. Tôn-đà-la Nan-đà thấy vậy đoán chừng: “Những con quỷ này đang muốn
chụm lửa đun sôi vạc dầu, nhưng nó không muốn làm. Thì ra là những con quỷ
lười.” Nghĩ vậy rồi ông ta thúc vào một con quỷ và hỏi: Các ông đun bếp này để
nấu gì vậy?
Con quỷ nhỏ nhất tròn xoe đôi mắt mệt mỏi nhìn chăm ông ta rồi
gắt gỏng hỏi lại:
– Việc ấy có can hệ gì đến ông?
Tôn-đà-la Nan-đà đáp lại:
– Tôi chỉ muốn biết thôi.
– Muốn biết hả, được rồi, tôi sẽ nói cho mà biết.
Đức Phật có một người em trai đang tu tập mà chỉ mong được hưởng
phước báo ở cõi nhân thiên. Ông ta sẽ sinh ở cõi trời và hưởng phước báu ở đó
năm trăm năm. Đến khi hưởng hết phước rồi ông ta sẽ bị đọa vào địa ngục. Khi
ông ta đến đây thì cũng vừa lúc bọn tôi đun sôi vạc dầu này. Ông ta sẽ bị luộc
trong ấy. Tôn-đà-la Nan-đà sững sốt đến nỗi tóc dựng đứng. Đột nhiên ông ta
hiểu được toàn bộ tình huống và nghĩ: “Những thiên nữ ở cõi trời này thì đáng
giá thật, nhưng hưởng phước báu ở nơi đây với họ năm trăm năm thì cũng chẳng
quý báu gì, khi hết phước lại phải kết thúc đời mình trong chảo dầu sôi. Tốt
hơn hết là ta nên theo Đức Phật xuất gia trở thành tỷ-khưu. Thế nên ông ta quên
bẵng nàng Tôn-đà-lợi và đồng ý xuất gia với Phật.
Để độ thoát cho Tôn-đà-la Nan-đà, Đức Phật cùng đi với ông ta
lên trời rồi xuống địa ngục. Nhưng việc độ thoát cho A-nan anh của Tôn-đà-la
Nan-đà lại tỏ ra khó hơn. Đức Phật giải thích một đạo lý mà A-nan không hiểu
được. Đức Phật lại giảng giải thêm một đạo lý khác nữa mà A-nan vẫn không hiểu
được. Đức Phật vẫn tiếp tục giảng giải và A-nan vẫn còn trong mơ hồ. Nay Đức
Phật khai thị hai món căn bản giúp cho mọi người vốn đã bị mê mờ trong công phu
tu tập. Đức Phật muốn giúp cho A-nan hiểu trực tiếp rõ ràng công phu của mình
để A-nan có thể chứng được Phật quả trong tương lai. A-nan, một là căn bản sinh
tử từ vô thỉ,
Từ vô thỉ kiếp đến nay, quý vị đã phải chịu sinh rồi sinh,
chết rồi chết, chết rồi sinh, sinh lại chết… Tôi đã giảng giải đạo lý này cho
quý vị rồi: “Do không nhận ra chơn tâm thường trụ, thể tánh thanh tịnh sáng
suốt mà nhận lầm các vọng tưởng. Các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, nên bị
luân chuyển.” Căn bản sinh tử đã được khai thị một lần nữa trong đoạn văn này
rồi. Nó chính là tâm phan duyên mà hiện nay ông và toàn thể chúng sinh – không
chỉ riêng mình ông, mà tất cả mọi loài – nhận làm tự tánh.
“Nhận tâm phan duyên” là chuyên hành xử dựa trên vọng tưởng.
Chẳng hạn như quý vị đi học nhưng lại đem hết sức mình ra để mong được điểm tốt
với thầy dạy của bạn bằng cách nịnh nọt thầy. Quý vị tâng bốc giáo sư bằng
những tước hiệu của họ và tặng những mỹ từ với hy vọng giáo sư sẽ hài lòng. Sao
vậy? Vì mong mỏi giáo sư sẽ cho quý vị nhiều điểm. Quý vị nghĩ rằng: “Rõ ràng
giáo sư sẽ cho ta điểm tám mươi, nhưng nếu mình tử tế với thầy, tặng quà cho
thầy hay chút đồ vật gì đó thì có thể ông ta sẽ tăng điểm cho mình gấp đôi.”
Quý vị thủ lợi bằng một cách vi tế như vậy. Đó là một ví dụ của tâm phan duyên.
Một ví dụ khác xảy ra trong khi ứng cử Tổng thống hoặc Dân biểu hoặc Tỉnh
trưởng.
Các ứng cử viên đi lại khắp nơi để cổ động giành phiếu cho
mình và nài nỉ, khẩn khoản cầu viện sự ủng hộ từ phía bạn bè phe cánh của
mình. Đó cũng là một trường hợp của “tâm phan duyên.” Thay vì để cho mọi việc
diễn biến một cách tự nhiên. Nếu theo diễn biến tự nhiên, quý vị sẽ trở thành
Tổng thống, thì lẽ ra quý vị chẳng cần phải mở chiến dịch vận động rùm beng để
cho mọi người biết quý vị xứng đáng là Tổng thống. Đạo đức của quý vị quá hiển
nhiên rồi và mọi người đều ngưỡng mộ bạn. Bạn khỏi phải cần thuyết phục mọi
người, họ tự nhiên sẽ đề cử quý vị làm Tổng thống. Đó là phương cách lý tưởng
để tiến hành, còn ngoài ra đều rơi vào lãnh vực của tâm phan duyên.
Một sự kiện khác minh họa cho điểm này là chuyện vua Nghiêu
của nước Trung Hoa, khi vua Nghiêu đã già, ông muốn tìm kiếm người có tài đức
xứng đáng để giao việc trị nước cho người ấy. Vua Nghiêu nghe rằng có Sào Phụ
và Hứa Do là người hiền tài đức hạnh trong thiên hạ nên quyết định giao việc
trị nước lại cho Sào Phụ. Tại sao lại gọi là Sào Phụ, Sào (巢 ) nghĩa là tổ chim. Do ông ta sinh
sống ở một nơi rất kỳ quặc. Ông ta làm một cái chòi tranh ở trên cây giống như
tổ chim rồi ở trên đó. Cách sống của ông ta rất đơn giản, đến nỗi ông ta dùng
hai bàn tay úp lại múc nước để uống. Có người thấy ông ta uống nước như vậy,
mới nghĩ rằng ông ta không có vật dụng để đựng nước nên cho ông ta một cái vỏ
trái bầu.
Ông ta treo vỏ trái bầu khô trên một cành cây nhưng nó lại gây
nên tiếng lóc cóc ầm ĩ mỗi khi gió thổi qua, thấy nó quá phiền toái nên cuối
cùng ông ta lại vứt nó đi. Vua Nghiêu nghe đức hạnh, tài năng cùng sự thanh
bạch của Sào Phụ, quyết định nhường ngôi cho ông ta. Vua đến gặp ông để thông
báo ý định của mình: “Trẫm nay đã già, ông nên thay trẫm nhận việc trị dân,
trẫm sẽ nhường ngôi cho ông.” Ngay sau khi câu nói của vua Nghiêu vừa thoát ra
khỏi miệng, Sào Phụ liền lấy tay bịt tai mình lại, bỏ đi nói một cách dí dỏm:
¬Tôi chẳng có một chút thích thú gì khi nghe nói những nói
những lời như vậy. Thực ra, những lời nói của Ngài đã làm bẩn tai tôi. Sào Phụ
đi về hướng bờ sông để rửa tai thực. Bấy giờ, rất tình cờ Sào Phụ lại gặp Hứa
Do cũng đang ở bến sông, ông ta đang tắm cho trâu. Hứa Do hỏi:
– Tại sao ông xuống đây để rửa tai?
– Ông vua Nghiêu kia thật là điên rồ, –Sào Phụ trả lời khi đã rửa tai xong–Ông
ta đến tìm tôi, nói rằng muốn giao đất nước cho tôi, muốn tôi trị vì quốc gia
này. Lời nói của ông đã làm bẩn tai tôi, nên tôi xuống đây để rửa.
Nghe vậy, Hứa Do la lên:
– Thế thì làm sao mà trâu của tôi lại phải uống thứ nước dơ bẩn mà ông đã dùng
để rửa tai xong. Trâu của tôi không thể nào uống thứ nước bẩn thỉu ấy được.
Nói xong, Hứa Do dẫn trâu lên phía trên dòng sông để cho trâu
được uống nước trong sạch. Quý vị thấy vào thời xưa, bậc hiền nhân không những
từ chối ngôi vua mà còn có những lời phản ứng khẳng khái khi tai mình bị bôi
nhọ bởi những lời như vậy.
Thế mà ngày nay người ta lại nói:
“Nè, quý vị hãy bỏ phiếu bầu cử cho tôi làm Tổng thống. Hãy chọn tôi làm dân
biểu cho quý vị.” Các ứng cử viên mở những cuộc vận động chính trị, tạo sự liên
kết xuyên quốc gia, thương lượng đi đêm, mặc cả cửa sau, ngay cả mua chuộc cả
phiếu bầu. Nhưng Sào Phụ và Hứa Do lại không bị “tâm phan duyên.” Họ đã biểu
hiện đức hạnh cao quý và vô cùng thanh khiết. Nhận lấy tâm phan duyên này, quý
vị lầm cho rằng đó chính là tự tánh. Quý vị nhận lầm tâm phàm phu làm bản tâm
của mình, vậy nên làm sao mà chẳng bị luân hồi trong sinh tử? Quý vị không nhận
ra được bản tâm là gì, thay vì vậy, quý vị nhận giặc làm con, trong tương lai
nó sẽ lấy sạch châu báu trong nhà cửa của quý vị. Đó chẳng gì khác hơn là vọng
tưởng, nó khiến cho quý vị nghĩ rằng mình có chút thành tựu bởi đã dùng tâm
phan duyên. Đây chính là sai lầm mà A-nan đã mắc phải.
Kinh văn: 二者,無始菩提涅槃元清淨體。則汝今者識精元明,能生諸緣,緣所遺者。
Phiên âm: Nhị giả, vô thỉ bồ-đề
niết bàn nguyên thanh tịnh thể. Tắc nhữ kim giả thức tinh nguyên minh, năng
sanh chư duyên, duyên sở di giả.
Việt dịch: Thứ hai là nguyên thể thanh
tịnh của bồ-đề niết-bàn từ vô thỉ. Đó chính là cái thức tinh nguyên minh
của ông. Hiện nay hay sinh khởi các duyên bị ông quên mất.
Giảng: Thứ hai là nguyên thể thanh tịnh của bồ-đề niết-bàn từ
vô thỉ.
Chẳng có khởi đầu nên Đức Phật gọi là “vô thỉ”; ngay cả những gì xảy ra trước
lúc khởi đầu.
Bồ-đề là tiếng Phạn (bodhi), dịch nghĩa là giác ngộ được đạo lý. Có ba nghĩa:
1. Chơn tánh bồ-đề: tức là Phật tánh mà mọi chúng sanh đều vốn có sẵn. Thông
thường mọi chúng sanh đều có chơn tánh bồ-đề này.
2. Thật trí bồ-đề: tức là trí tuệ chân chính chẳng phải là tà tuệ.
3. Phương tiện bồ-đề: Tức là phương tiện của những người sau khi đã chứng đạo,
họ quán sát căn cơ, nghiệp lực của chúng sinh mà có phương cách thích hợp để
giáo hóa.
Ba dạng bồ-đề này có thể xem là một, phân ra gọi là ba, thực
ra chỉ là một. Cả ba chính là chân tánh bồ-đề và do nơi chân tánh bồ-đề mà có
được. Thật trí bồ-đề và phương tiện bồ-đề. Rốt ráo, bồ-đề do đâu mà có? Bồ-đề
chẳng từ đâu mà có mà cũng chẳng đi về đâu. Mỗi người chúng ta xưa nay vốn đã
từng có sẵn tánh bồ-đề trong mình rồi. Chẳng người nào có tánh bồ-đề ít hơn
hay nhiều hơn người kia. Tánh bồ-đề ấy không tăng thêm không giảm bớt; không
sinh ra, không mất đi chẳng thanh tịnh, chẳng dơ uế. Nhiều người nghĩ rằng sau
khi chết mới chứng được niết-bàn. Nhưng thực ra không nhất thiết phải sau khi
chết mới đạt được cảnh giới niết-bàn. Niết-bàn chính là sự chứng đạo,
Niết-bàn (nirvana) là tiếng Phạn dịch nghĩa là “không sinh,
không diệt.” Do không sinh không diệt nên sinh tử không còn nữa. Một người
chứng được niết-bàn là khi họ đạt đến tình trạng không bị đối kháng bởi vấn đề
sống và chết nữa. Nhưng niết-bàn không chỉ có nghĩa là sự nhập diệt của Đức
Phật. Khi Đức Phật nhập diệt gọi là Ngài nhập niết-bàn, Đức Phật chứng nhập vào
niết-bàn với đầy đủ bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Có một số người học Phật
có cái nhìn chưa rõ ràng, cho rằng niết-bàn chính là chết nhưng niết-bàn là còn
nhấn mạnh đến cái không phải chết. Những ai vướng mắc vào quan điểm này chưa
phải là người thông hiểu Phật pháp. Đó chính là thức tinh nguyên minh của ông.
Chữ “nguyên” có nghĩa là cội gốc của bản thể thanh tịnh. Nghĩa
là cái mà chẳng phải nhiễm ơ, chẳng phải thanh tịnh, không thêm, không bớt. Ánh
sáng của nó vốn thường soi chiếu khắp nơi. Chữ “thức” ở đây không phải là tám
thức, chẳng phải mạt-na hay a-lại-da thức. Nó chẳng liên quan gì đến tám thức
ấy cả. Nó chính là cái tối tinh, tối diệu của thức, thể tánh của nó bản nguyên
thanh tịnh, nó chỉ là tên gọi khác của bồ-đề niết-bàn. Cụm từ được dùng ở đây
là nhờ vào lối văn chương bóng bẩy tránh sự lặp lại. Nó chính là khía cạnh rất
tinh vi và mầu nhiệm của thức, của Phật tánh bản hữu của chân tâm thường trụ,
tánh tịnh minh thể. Hiện nay hay sinh khởi các duyên mà bị ông quên mất.
Vì những nhân duyên này sinh khởi, nên quý vị phải bị đẩy đi
xa, xa mãi nơi quý vị muốn trở thành, cũng giống như người càng chạy càng xa
mãi nơi mình đứng. Tôi đã từng nói trước rằng A-nan càng trả lời những vấn nạn
của Đức Phật thì càng đi xa dần mục tiêu cần nhắm đến đó sao? Tất cả các duyên
này đều lưu xuất từ thức tinh nguyên minh mà có, nhưng sau một thời gian dài
chấp giữ các duyên này, nên dường như bỏ quên mất thức tinh nguyên minh. Cái gì
bị bỏ quên?
Chẳng cái gì cả. Thực vậy. Thức tinh nguyên minh dường như bị
bỏ quên nhưng không phải như vậy. Bản thể bổn nguyên vốn thanh tịnh. Bồ-đề
niết-bàn là của báu chân thực trong nhà quý vị. Cơ bản là nó ở ngay bên cạnh
quý vị nhưng quý vị không biết cách sử dụng nó để làm lợi ích cho mình. Bởi vì
quý vị không biết cách sử dụng của báu ấy nên nó dường như bị bỏ quên. Như thể
quý vị có một viên ngọc quý vô giá mà quý vị đem cất giấu vào nơi rất kín đến
nỗi sau một thời gian dài quý vị không còn nhớ mình cất giấu viên ngọc ở đâu
nữa. Khi quý vị đã quên không biết nó ở đâu thì không thể biết cách sử dụng nó
cho có lợi ích. Mặc dù quý vị bị khốn quẫn nhưng không thể nào sử dụng được
viên ngọc và hưởng được lợi ích từ viên ngọc quý ấy. Cũng giống như thể viên
ngọc không có ở trong nhà quý vị vậy. Nên quý vị phải dùng thứ gì để thay thế?
Quý vị dùng vọng tưởng của quý vị, dùng tâm phan duyên của mình để thay thế.
Trong khi quý vị quên mất chơn tâm của mình và một khi chơn tâm đã bị bỏ quên
thì nó cũng hoàn toàn giống như bị mất. Đây chính là lý do tại sao quý vị không
thể thành Phật, thay vì vậy lại bị trói buộc trong vòng sinh tử, do vì quý vị
không nhận ra chơn tâm.
Kinh văn: 由諸眾生遺此本明,雖終日行,而不自覺,枉入諸趣。
Phiên âm: Do chư chúng sanh di
thử bổn minh, tuy chung nhật hành, nhi bất tự giác, uổng nhập chư thú.
Việt dịch: Do các chúng sinh bỏ quên
tánh bản minh này, tuy trọn ngày mình sử dụng nó mà chẳng tự biết, nên bị
trôi lăn oan uổng trong các cõi.
Giảng: Do các chúng sinh bỏ quên tánh bản minh này. Chúng sinh
dường như bỏ quên thể tánh thường trụ thanh tịnh sáng suốt của chơn tâm. Nhưng
thật sự chơn tâm không mất. Tuy trọn ngày mình sử dụng mà chẳng tự biết.
Chúng sinh sống trong thể tánh thanh tịnh, trong chân tâm
thường trú hằng ngày. Bởi vì vọng tưởng vốn xuất phát từ chơn tâm, đó chính là
tâm phan duyên lưu xuất từ một niệm sinh khởi từ vô thỉ. Tất cả mọi hiện tượng
đều chỉ là sự biểu hiện từ chân tâm và niệm khởi này theo sát quý vị từ sáng
đến tối, nhưng quý vị không thể nào nhận biết được niệm ấy. Quý vị chỉ biết làm
thế nào để vận dụng tâm vọng tưởng của mình mà thôi. Chơn tâm được biểu hiện
qua tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh biết. Có người từng hỏi:
“Phật tánh là gì?”
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đáp:
– Tại mắt gọi là tánh thấy
– Tại tai gọi là tánh nghe
– Tại mũi gọi là tánh ngửi
– Tại lưỡi gọi là tánh nếm
– Tại thân gọi là tánh biết (do xúc chạm)
– Tại nơi ý gọi là tánh nhạy bén linh lợi
Đức Phật đã trả lời như vậy. Cái gì là Phật tánh? Đó là tánh
thấy, tánh nghe… Đó là cách thế tự nhiên như khi tay mình cầm đồ vật. Tất cả
những điều này đều là biểu hiện sự vi tế, bất khả tư nghì của chân tâm. Nhưng
không ai biết được điều này. Bây giờ A-nan vẫn còn mê mờ, thế nên Đức Phật dùng
rất nhiều cách ví dụ để giảng giải cho A-nan. Nên bị trôi lăn oan uổng trong
các cõi.
Vì chúng sinh mãi chấp cứng vào tâm phan duyên nên phải trôi
lăn vào trong các cõi mà chẳng biết những nghiệp mình tạo ra hằng ngày. Nơi thọ
sanh là nơi mà quý vị mong mỏi nhắm đến. Quý vị đi thẳng một mạch đến đó. Rồi
quý vị sẽ kết thúc đời mình ở nơi đâu? ở trong các cõi. Đó là trong sáu nẻo
luân hồi. Có ba cảnh giới lành là: cõi trời, a-tu-la và cõi người. Có ba cảnh
giới không lành là súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Bất kỳ quý vị tạo ra nghiệp
gì, thì quý vị phải nhận chịu quả báo của việc ấy. Do không nhận ra được chân
tâm bổn tánh, nên chấm dứt đời mình trong sáu nẻo luân hồi, dù không muốn vào
đó mà cũng vẫn phải vào. Cảnh giới a-tu-la có khi được xem như cảnh giới không
lành. A-tu-la được gọi là những kẻ thích đánh nhau. Họ luôn luôn sẵn sàng cãi
vã, nổi nóng với tất cả mọi người. a-tu-la (asuras) là tiếng Phạn, tiếng Hán
dịch là vô thù 無 酬–không có rượu–cũng có nghĩa là tác bất đoan chính 作不端正 là làm những việc không
đúng đắn. A-tu-la vốn thích uống rượu, nhưng khi họ sống ở cõi trời họ không có
rượu để uống.
Còn nghĩa tác bất đoan chính, là có liên quan đến các vị
a-tu-la nam, họ có thân hình xù xì, mặt mày xấu xí, môi sứt, răng vẩu. Nhưng
a-tu-la nữ thì rất đẹp. Ngọc hoàng Thượng đế một khi gặp a-tu-la nữ đẹp lộng
lẫy như thế liền lấy làm vợ. Một hôm Ngọc hoàng Thượng đế tức Đế thích (sakra),
muốn đi nghe Đức Phật giảng kinh, ông ta có thể biến thành thân người để đến
thế giới ta-bà này để nghe Đức Phật giảng kinh. Nhưng bà vợ a-tu-la đanh đá
chua ngoa của ông ta lại nổi cơn ghen: “Ông chỉ được đến đó mỗi một ngày thôi.
Chẳng biết loài yêu mỵ hay hồ ly tinh nào đã hớp hồn ông. Ông đang chạy theo
con hồ ly tinh nào phải không?” Bà ta buộc tội ông chồng léng phéng với một phụ
nữ khác. Không chỉ phụ nữ ở thế gian là giới duy nhất biết ghen tuông với chồng
của họ. Cuối cùng bà vợ của Đế thích quyết định tự mình theo dõi chồng để xem
thử ông làm gì (thời đại ấy chưa có thám tử tư để thuê mướn làm việc ấy, nên bà
ta phải tự mình tiến hành cuộc điều tra). Khi Đế thích vào trong pháp hội nghe
kinh ông ta đảnh lễ cung kính Pháp sư rồi tìm chỗ ngồi.
Thật tình cờ, hôm ấy có một người phụ nữ ngồi bên cạnh Đế
thích. Khi người vợ a-tu-la thấy vậy, bà ta liền hiện nguyên hình đối diện với
Đế thích rồi ca thán: “Thảo nào ngày nào ông cũng đến đây kết bè bạn với đám
phụ nữ này.” Ngọc đế rất giận dữ: “Tôi đến đây để nghe giảng kinh, bà lại chen
vào quấy rầy làm náo động cả đạo tràng. Bà gây chướng ngại thật là trầm trọng.”
Nói xong Ngọc đế đánh bạt tai vào bà ta, bà ta khóc chạy đi tìm cha của mình,
đòi ly dị và không trở về nhà chồng nữa. Cha bà ta liền bênh vực và hứa sẽ tiến
hành cuộc chiến tranh với Ngọc đế. “Ta sẽ đánh bại hắn ta và chiếm ngôi.” Ông
an ủi con mình “Đừng bận tâm gì cả!” Chiến tranh xảy ra. Mỗi ngày vua a-tu-la
đều đánh nhau với Ngọc hoàng. Ngọc hoàng trưng dụng hết biểu chương của mình
(gồm vương miện, quả cầu và nghi trượng) nhưng lực lượng dữ dội hung bạo của
a-tu-la chế ngự được cả ba thành phần này của Ngọc hoàng, dần dần Ngọc hoàng bị
đánh bại, ông ta bị mất vị thế rất nhanh. Là một Phật tử có tín tâm, Ngọc hoàng
đến đảnh lễ Đức Phật cầu cứu. Đức Phật ban cho ông tấm y ca-sa và bảo ông:
“Mang y ca-sa này về rồi cắt rọc ra thành từng giải băng nhỏ,
phát cho mỗi người lính của ông một giải, ra lệnh họ cột vào cánh tay, rồi bảo
họ đọc câu: “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa” (Trí tuệ cao tột để đưa qua bờ giải
thoát). Ngọc Hoàng làm đúng như lời Phật dạy. Toàn bộ lính trời đều học thuộc
lòng câu “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi cuộc chiến kế tiếp xảy ra, vua
a-tu-la bị lính trời đánh bại. Họ hoàn toàn không tiên liệu được sức mạnh của
đạo quân trời như vũ bão, chấp nhận thua cuộc một lần và mãi mãi. A-tu-la còn
được gọi là “làm những việc không đúng đắn.” Họ có phước báu ở cõi trời, nhưng
không có quả báo về đức hạnh. a-tu-la không những chỉ có trong cõi trời mà ở
cõi nhân gian cũng có. Quân đội, thổ phỉ và trộm cướp là a-tu-la ở trong cõi
người. Nhưng ở đây phải có một sự phân biệt rõ. Ở quốc độ này (nước Mỹ) quân
đội là một nghĩa vụ mà mọi người dân bắt buộc phải tham gia.
Nên một số binh lính không phải là a-tu-la. Một số người này
bị buộc vào quân đội lúc còn quá nhỏ tuổi. Mười tám tuổi họ đã phải vào lính,
với lứa tuổi ấy, họ chưa có được một chút ít định lực nào cả. Chỉ nghe nói đến
chiến tranh, họ đã hoảng sợ rồi. Quân đội chiến đấu được huấn luyện năm năm,
thông thường, họ được hai mươi ba tuổi nếu vào lính năm mười tám tuổi và được
huấn luyện năm năm, với khoảng thời gian ấy, họ có một ít định lực và Kinh
nghiệm, nếu ra chiến trường, họ cũng có được một ít can đảm để đối phó. Nếu họ
quá trẻ, định lực chưa được mạnh, thiếu kinh nghiệm, không có được can đảm và
quyết tâm. Thế nên tôi nghĩ tình trạng quân đội hiện nay, không phải người lính
nào cũng là a-tu-la. Thời xưa, ai mà thực sự muốn làm lính hoặc muốn làm thổ
phỉ mới được liệt vào hàng a-tu-la.
KIM
QUANG TIỀN
Cư sĩ Kim Quang
Tiền, người đời Thanh, gốc Mãn Châu, xuất thân trong hàng quân ngũ. Ông ưa làm
thiện, hằng răn cấm các binh sĩ:
1. Không được chém
giết bừa bãi.
2. Không được hiếp dâm phụ nữ.
3. Không được cướp một món đồ vật của ai.
4. Không được đốt nhà của dân chúng. Nếu phạm pháp, sẽ theo quân luật nghiêm
trị.
Vợ ông là Cũng thị,
biết chữ nghĩa, thường thích tụng kinh.
Năm Thuận Trị thứ
mười đi bình định tỉnh Phước Kiến, đường ngang qua Hàng Châu, cư sĩ nghe biết
Cụ Đức Hòa thượng đang thuyết pháp tại chùa Linh Ẩn. Hai vợ chồng liền đến tham
bái, được Hòa thượng khai thị về pháp môn Tịnh độ. Từ đó cả hai đồng tinh tấn
niệm Phật và đều có chỗ tâm đắc. Mùa hạ năm Thuận Trị thứ mười hai, sau khi từ
miền Bẳc trở về tạm ngụ bên sông Tiền Đường, Kim Quang Tiền bỗng nhiễm bịnh.
Cùng thị định sai người tìm rước lương y, ông ngăn lại bảo: “Thuở trước ta cùng
phu nhơn đã đi tham phỏng ở Linh Ẩn. Nay nhân đây chỉ muốn chuyển thân về cõi
an lành, cần chi dùng thuốc!” Cũng thị cả cười nói: “Chẳng dè tướng công cũng được
đến địa vị ấy, thật là hân hạnh!” Liền sai sắm hai chiếc quan tài, rồi bảo:
“Thiếp cũng sẽ đi, nhưng xin chậm lại để lo liệu hậu sự cho tướng công mà
thôi!” Quang Tiền nghe nói, liền chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.
Cũng thị sai gia
nhơn đem lễ vật đến Linh Ẩn, cầu xin thắp hương đèn cúng Phật, cùng trai tăng
tu sám để truy tiến cho hai vợ chồng. Đến bảy hôm lễ xong, phu nhơn tuyệt ẩm
thực, ngày đêm chẳng nằm, chỉ một lòng niệm Phật. Lại trải qua bảy hôm nữa, vào
lúc xế, phu nhơn tựa quan tài nhắm mắt dưỡng thần, giây phút tỉnh lại bảo:
“Thời khắc đã đến!” Liền ngồi ngay niệm Phật mà hóa.
LỜI
BÌNH:
– Soạn giả cố ý sắp hàng quan liêu được vãng sanh ở trước, vì so thường dân, bậc quan quyền vào đạo rất khó. Phần đông, người đời gấp về công danh, lấy sự học hành đỗ đạt làm trước. Và kẻ đã bước vào cửa quyền quý, đa số lại cho sự thanh tu là khổ. Nếu chẳng phải những người kiếp xưa đã trồng sẵn căn lành, giữ chắc tâm nguyện giải thoát, thì mấy ai trước mùi chung đỉnh mà biết quay đầu? Như các vị trên đây, ở cảnh trần lao, hướng về tịnh quốc, há chẳng đáng gọi là hiện thân tể quan mà thuyết pháp đó ư! Xét lại các vị: Liễu Tử Hậu, Bạch Lạc Thiên, Tô Đông Pha, Triệu Tử Ngang, tuy cũng quy y tu niệm, song khi lâm chung, chẳng thấy điềm lành. Ấy cũng bởi: trí năng lạc theo nhiều môn, căn bịnh sanh nơi niệm ái. Tập quán của tài tử văn nhơn từ xưa vẫn thế, khi vô thường chợt đến, khó nỗi cầu may! Bậc quân tử đời sau, cần nên biết răn dè vậy!
Comments
Post a Comment